Công vụ 4: " Cấm lấy danh Chúa Giê su dạy dỗ "
" Lại nếu Đấng Christ đă chẳng sống lại, th́ sự giảng dạy của chúng tôi ra luống công, và đức tin anh em cũng vô ích." I Cô rinh tô 15: 14
Công vụ 4: " Cấm lấy danh Chúa Giê su dạy dỗ "
Câu hỏi:
1/ Sự dạn dĩ của Phi e rơ và Giăng ở đây là gì?
Vì sao họ có được sự dạn dĩ đó?
2/ Vì sao Hội đồng ngạc nhiên khi nghe Phi e rơ trả lời?
Họ đánh giá hai môn đồ nầy như thế nào?
3/ Có thật là Phi e rơ và Giăng dốt về Lời Chúa và không được Chúa huấn luyện không?
4/ Chúa có xử dụng những người có trình độ, học vấn không? Thí dụ như ai trong Kinh Thánh?
Như vậy, có nên suy nghĩ là không cần học, hay phải học mới được Chúa xử dụng?
5/ Vì sao Hội đồng cùng nhau tìm cách chối bỏ điều họ nghe và thấy?
Họ bàn nhau phải xử hai môn đồ như thế nào?
6/ Vì sao họ sợ danh Chúa Giê su được lan truyền trong dân?
Tin lành có bị quyền lực trói buộc không?
"Cấm lấy danh Chúa Giê su dạy dỗ"
** Hội đồng Do Thái phản ứng với bài giảng của Phi-e-rơ: Câu 13
" Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus."
** Họ cho rằng Phi e rơ và Giăng " là người dốt nát không học"
Chúng ta nhớ đoạn trước nói rằng, Phi e rơ và Giăng bị đưa ra trước toà công luận, gồm 70 nghị viên là những nhà cai trị dân Do thái, những nhà làm luật, những người thông thái...
Sau bài giảng của Phi e rơ, nhân câu trả lời " Do đâu và bởi ai mà ngươi có quyền phép để rao giảng?" thì cả toà công luận bối rối, không biết phải xử trí thế nào với hai người nầy?
Cả Hội đồng rất ngạc nhiên với Phi e rơ vì thái độ dạn dĩ, cách lập luận sắc bén, cùng sự hiểu biết Kinh Thánh sâu nhiệm của ông, họ cũng thừa biết Phi e rơ và Giăng là hai người đánh cá, xuất thân từ biển hồ Ga li lê.
Nếu chúng ta còn nhớ, lúc Phi e rơ chối Chúa, Kinh Thánh nhắc, chính ông Giăng lại có quen biết với nhà Thầy Tế lễ Thượng phẩm Cai phe. Giăng được ra vào sân nhà ông ta mà không bị cản trở chút nào. Có giả thuyết cho rằng, họ có mối liên hệ bà con, hay cha con Giăng thường đem cá bán cho nhà Thầy Tế lễ, nên hơn ai hết, Thầy tế lễ biết hai người nầy là ai.
Trước mắt những con người được đứng trong hàng ngũ được xem là tinh anh, thông thái, thì Phi e rơ và Giăng bị cho là; "người dốt nát không học"- Trong nguyên văn là: Vừa dốt lại vừa không được huấn luyện "They were uneducated and untrained men"
Với cái nhìn hôm nay, chúng ta nghĩ sao? Phi e rơ và Giăng quả thật không đến trường lớp như những giáo sư ở đây, theo tiêu chuẩn của Do Thái thời bấy giờ, nhưng họ được học trực tiếp với chính Giáo sư từ Trời. Suốt ba năm bên chân Chúa, họ nghe rất nhiều lời giảng giải của Chúa Giê su về Kinh Thánh, về ý định của Đức Chúa Trời, về Nước Thiên đàng và về sự cứu rỗi. Còn những người trong Hội đồng kia, dù có giỏi đến mấy, cũng chỉ là học gián tiếp qua sách vỡ, và qua con người.
Phi e rơ và Giăng cũng được chính Chúa Giê su huấn luyện rất kỹ lưỡng, hai ông có đủ khả năng để thi hành chức vụ của mình, khi Chúa Giê su cho họ đi ra, Ngài đã trang bị mọi thứ cho họ rồi. Chúng ta cũng không nên bỏ qua Đức Thánh linh là giáo sư lớn, Ngài cũng là Đức Chúa Trời đang đồng hành với các môn đồ.
Tuỳ theo sự xử dụng của Chúa, Ngài dùng những người có học thức, Ngài cũng dùng những người chưa từng tốt nghiệp từ trường lớp.
Đừng mặc cảm, khi chúng ta không có trong tay những bằng cấp, qua lời Kinh Thánh được chép lại, nếu chúng ta hết lòng học hỏi,
Đức Thánh Linh là chính Chúa, cũng sẽ dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta cách diệu kỳ. Cũng đừng nhìn xem những đồng bào ở miền xa, miền rừng núi, không có phương tiện học hành, mà cho rằng họ không thể lãnh hội được lời Chúa.
Phi e rơ và Giăng đã được giáo dục theo hai cách quan trọng hơn, họ biết Kinh thánh và họ đã ở với Chúa Giê-su. Có nhiều học giả nổi tiếng được Chúa hà hơi theo cách nầy như: Charles Spurgeon, D.L. Moody, William Carey, D. Martyn Lloyd-Jones, Hudson Taylor.
Nhưng trong Kinh Thánh, Chúa cũng đã dùng những người học thức như Môi se, Đa niên hay Phao lô. Nói về học thức, Phao lô có bề dầy học thức cao hơn các môn đồ khác rất nhiều, nhưng ông không bao giờ dám so sánh học thức từ đời thường với học thức và kinh nghiệm từ Chúa, Phao lô tỏ ra rất khiêm nhường, tâm sự trong I Cô rinh tô 15: 8-10
"Rồi lại, sau những người ấy, Ngài cũng hiện ra cho tôi xem, như cho một thai sanh non vậy. 9 Vì tôi là rất hèn mọn trong các sứ đồ, không đáng gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ Hội thánh của Đức Chúa Trời. 10 Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi."
Khi nói như thế, Phao lô không kể là mình đã được học từ nơi các giáo sư danh tiếng, nhưng ông chỉ kể giai đoạn ông được Chúa Giê su kêu gọi, và dạy dỗ ông sau chót hết, so với các sứ đồ.
Trong mỗi trường hợp, hãy để Chúa quyết định cách dùng của Ngài trên một tôi tớ, nếu nói rằng không cần học thức, hay nói chỉ có học thức mới có thể thi hành chức vụ đều đi quá mức của nó, sẽ trở thành cực đoan. Thiếu một trong hai cũng có thể làm cho một người hầu việc Chúa bị trở ngại.
** Họ nhìn thấy sự dạn dĩ của Phi e rơ và Giăng:
Đây là một sự phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê su trên họ - Chúa Giê su dù ở hoàn cảnh nào cũng dạn dĩ và không run sợ. Khi một người, là tôi tớ của Đức Chúa Trời toàn năng, họ không có gì phải sợ sự phán xét của loài người.
Chữ dạn dĩ ở đây đi chung với nghĩa giảng dạn dĩ, từ " Boldness" không có tương đương với một từ tiếng việt, nó có nghĩa là lời tuyên bố táo bạo. Trong tiếng Hy Lạp từ này là Parresia, ‘ có nghĩa nói ra tất cả.”
Ngày nay, không có thuộc tính nào cần thiết hơn cho sự làm chứng về Đấng Christ, hơn là sự dạn dĩ có được từ Đức Thánh Linh, nhờ sự đầy dẫy Đức Thánh Linh trên người ấy. Có sự dạn dĩ, người ta có thể nói hết mọi điều mà không e sợ, không bị một rào cản nào.
Phi e rơ đã buộc tội toà công luận, và tuyên bố thẳng thắng về sự phục sinh của Chúa Giê su. Các nhà lãnh đạo Do Thái đã không thể bác bỏ sự phục sinh của Chúa Giêsu. Nếu có thể làm, thì đây là lúc để họ làm điều đó; nhưng họ không thể, vì có nhiều nhân chứng và bằng chứng.
*** "Họ lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Giê su"
Sự dạn dĩ trong sứ điệp, là hình ảnh Chúa Giê su.
Sự chữa lành cho người què, cũng phản ảnh tinh yêu thương của chúa Giê su.
Lời chứng mạnh mẽ là thái độ của Chúa Giê su, cũng nói lên niềm tin của họ nơi Chúa Giê su.
Chúa Giê su chói sáng mặt Ngài lên các môn đồ, nên họ có thể chiếu ra sự vinh hiển đó.
Trong Hội Thánh Chúa, chúng ta được tôi tớ Chúa dùng lời chúc phước mà Đức Chúa Trời dạy biểu trong Dân số ký : 6: 22-27
"Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: 23 Hãy nói cùng A-rôn và các con trai người mà rằng: Các ngươi phải chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: 24 Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! 25 Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! 26 Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi! 27 Họ phải đặt danh ta trên dân Y-sơ-ra-ên như vầy, thì ta đây sẽ ban phước cho dân đó."
Hãy để hình ảnh Đức Chúa Trời chiếu sáng trên những người theo Chúa.
Qua các tín hữu, người ta thấy được sự vinh hiển, tình yêu thương, và lời phán có thẩm quyền của Ngài trên những người rao giảng Tin lành.
** " Phép lạ sờ sờ; chúng ta chối không nổi." câu 14-16
" Nhưng vì thấy người được chữa lành đứng bên hai người, nên chúng không có lời gì để bẻ bác được hết. 15 Chúng biểu hai người ra khỏi tòa công luận rồi, bèn bàn luận cùng nhau, 16 rằng: Chúng ta xử với hai người nầy làm sao? Vì cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết rõ thật họ đã làm ra một phép lạ sờ sờ; chúng ta chối không nổi."
Người què là một nhân chứng, anh ta được chữa lành và đang đứng đó là một bằng chứng, nhưng thay vì thấy để tin, vì Chúa làm điều đó để người ta thấy để tin, thì ở đây, 70 người tinh anh trong đền thờ Đức Chúa Trời, thấy và bàn làm sao để bẻ bác, để chối bỏ, để làm lệch hướng niềm tin của dân chúng.
*** Hội đồng yêu cầu " Cấm lấy danh Chúa Giê su dạy dỗ" câu 15-17
" Chúng biểu hai người ra khỏi tòa công luận rồi, bèn bàn luận cùng nhau, 16 rằng: Chúng ta xử với hai người nầy làm sao? Vì cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết rõ thật họ đã làm ra một phép lạ sờ sờ; chúng ta chối không nổi. 17 Dầu vậy, hầu cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa, chúng ta nên lấy lời ngăm dọa, cấm họ, từ rày về sau, chớ lấy danh đó dạy dỗ không cứ là ai. 18 Họ bèn đòi hai người vào, rồi cấm tiệt, chẳng cho nhân danh Đức Chúa Jêsus mà nói hay là dạy."
Có một câu hỏi thú vị ở đây, làm sao Lu ca có thể nghe được các lời bàn luận nầy từ Hội đồng? Có ý tưởng cho rằng, Phao lô lúc đó đã có mặt trong Hội đồng, hãy xem Phao lô tiết lộ điều gì trong Công vụ 26: 9 &10
"Thật, chính mình tôi đã tin rằng nên dùng đủ mọi cách thế mà chống lại danh Jêsus ở Na-xa-rét. 10 Thật tôi đã làm sự nầy tại thành Giê-ru-sa-lem: sau khi đã chịu quyền của các thầy tế lễ cả, thì tôi bỏ tù nhiều người thánh; và lúc họ giết các người đó, tôi cũng đồng một ý."
Phao lô là một học giả ưu tú, là học trò của một thầy giáo nổi tiếng Ga ma li ên, có mặt trong hội đồng, nhưng lúc đó Phao lô chưa tin Chúa Giê su, Phao lô cũng đồng một ý với họ, chối bỏ Chúa và quyền phép của Ngài. Nếu không có sự kêu gọi của Chúa, Phao lô cũng bị hư mất như những người trong hàng ngũ kia, không bao giờ được thấy được sự cứu rỗi.
Nếu ý tưởng nầy về Phao lô là đúng, thì có thể nói rằng, Phi-e-rơ và Giăng không hề biết, là họ đang rao giảng cho một sứ đồ đặt biệt của tương lai, và là nhà truyền giáo vĩ đại nhất mà Hội thánh từng có. Đó là một ví dụ về sự thật rằng chúng ta không biết Chúa có thể sử dụng chúng ta đến mức nào.
Khi có kinh nghiệm về truyền giáo, người ta không thể phủ nhận có sự bại hoại trong tấm lòng của con người. Hội đồng thừa nhận rằng đã thấy một phép lạ thực sự xảy ra; tuy nhiên họ không chịu phục tùng Đức Chúa Trời, là Đấng đã làm phép lạ đó.
** " Hầu cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa"
Sự chống đối của các bậc cầm quyền, đối với lời rao giảng về Chúa Giêsu, bắt nguồn từ tư lợi tội lỗi của chính họ, chứ không phải từ lòng mong muốn bảo vệ dân chúng. Họ sợ hãi khi trong dân chúng biết về sự sống lại của Chúa Giê su, và tin lời tuyên bố rằng, chỉ có Chúa Giê su mới là con đường duy nhất để loài người nhờ đó mà được cứu. Nếu để điều đó xảy ra, bậc cầm quyền ở Giê ru sa lem bị mất ảnh hưởng.
Phải, một giao ước bằng huyết đã được Chúa Giê su dùng chính mình lập nên, sẽ thay thế bộ luật Môi se, mà những người cầm quyền ở Giê ru sa lem đang nắm giữ. Trong hình bóng của ý nghĩa đó, nhà cầm quyền ở Giê ru sa lem chống đối, dù mờ nhạt trong giai đoạn nầy, sẽ rất rõ nét khi cơ đốc nhân bị rượt đuổi, giam giữ và giết hại.
** " Chẳng cho nhân danh Đức Chúa Jêsus mà nói hay là dạy."
Chúa Giê su khi còn sống chỉ là một cá nhân, người ta cho rằng giết Ngài sẽ làm cho mọi việc êm thắm, suông sẽ, rồi câu chuyện về Chúa Giê su sẽ lui về quá khứ, như bao nhiêu nhân vật khác trên đất. Nhưng xem ra bây giờ không phải vậy, lời đồn về Chúa Giê su sống lại xem ra rất khó ngăn chặn, bây giờ Chúa Giê su thành vô hình, nhưng hữu hiệu, và đang lan rộng cách đáng sợ.
Chỉ trong vòng mấy ngày, có đến hơn năm ngàn người tuyên xưng đức tin, nếu con số đó nhân rộng ra, nó sẽ thành bao nhiêu? Chúa Giê su trước khi về Trời đã nói với môn đồ rằng, khi Đức Thánh Linh đến, các ngươi sẽ làm được những việc trội hơn Ta đã làm. Chúa cũng tuyên bố rằng Tin lành sẽ bắt đầu tại đất nước Do Thái rồi lan rộng ra cho tới tân cùng trái đất. Điều đó chúng ta đang được thấy ngày nay.
Lịch sử chứng minh, Tin lành không thể bị trói buộc, cũng không thể bị ngăn trở dưới sức mạnh của quyền lực con người. Càng bị bắt bớ, cấm đoán, Tin lành càng phát triển. Ngày nay, có từ " Gospel Explosion " là Tin lành bùng nổ, Tin lành càng ép, càng bung ra nhiều.
Qua đoạn Kinh thánh hôm nay, chúng ta biết được Đức Thánh Linh làm cho Cơ đốc nhân thêm dạn dĩ rao giảng Tin lành, trong khi bị đe doạ, cấm đoán vì quyền lực.