Công vụ 4 "Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai?"
"Anh em đă được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà, 21 cả cái nhà đă dựng lên trên đá đó, sắp đặt cách hẳn hoi, để làm nên một đền thờ thánh trong Chúa." Ê phê sô 2: 20 & 21
Công vụ 4: "Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai?"
Câu hỏi:
1/ Người Sa đu sê có tin vào sự sống lại không?
Khi nghe nói về sự sống lại, họ đã làm gì?
2/ Hai câu hỏi mà nhà cầm quyền Do Thái đưa ra là gì?
Họ lo ngại ai đứng sau các việc đó?
3/ Làm sao Phi e rơ, một người đánh cá có thể đương đầu với cả Toà Công luận?
Ở đây, Phi e rơ được đầy đẫy Đức Thánh Linh để làm gì?
4/ Trong bài giảng, Phi e rơ trả lời hai câu hỏi như thế nào?
5/ Đá góc nhà là gì? Tại sao Đức Thánh Linh dạy Phi e rơ đề cập đến đá góc nhà?
6/ Ngày nay chúng ta có còn lấy đá góc nhà làm chuẩn không?
Qua đâu để lấy phương hướng từ đá góc nhà?
"Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai?"
** Phi e rơ và Giăng bị bắt: Câu 1-4
"Phi-e-rơ và Giăng đang nói với dân chúng, thì các thầy tế lễ, quan coi đền thờ, và người Sa-đu-sê thoạt đến, 2 tức mình vì hai người dạy dân chúng và rao truyền, nhân Đức Chúa Jêsus, sự từ kẻ chết sống lại. 3 Họ bắt hai người giam vào ngục cho đến bữa sau, vì bấy giờ đã tối rồi. 4 Dầu vậy, có nhiều người đã nghe đạo thì tin, số tín đồ lên đến độ năm ngàn."
Hẳn chúng ta còn nhớ, Phi e rơ và Giăng vào đền thờ vào giờ thứ chín để cầu nguyện. Giờ thứ chín khoảng 3pm bây giờ, là giao điểm giữa trưa và xế chiều. Cho nên, sau bài giảng thứ hai, thì trời đã tối.
Trong đền thờ Giê ru sa lem, không chỉ là một đền thờ, còn là tổng hành dinh của chính quyền Do Thái, cho nên mọi hoạt động xảy ra đều không qua mắt được các quan chức và binh lính ở đó. Sẽ không khó hiểu nếu chúng ta có đến thăm Tòa Thánh Va ti căn ở Rome, nơi đó có giáo hội và nơi đó cũng có chính quyền riêng của họ, Giê ru sa lem cũng như vậy.
Hai chữ "thoạt đến" ở đây dịch từ chữ "came upon" không phải là đi ngang qua rồi thấy, nhưng là đột ngột đến. Trước sự kiện người què được chữa lành, rồi sứ điệp Chúa Giê su đã sống lại, hai sự kiện quả thật đáng kinh ngạc, xảy ra trước mắt mọi người, Phi e rơ và Giăng là hai nhân chứng và là hai xướng ngôn viên của Chúa Giê su, họ đang mang sứ điệp về sự cứu rỗi rao cho mọi người.
Hôm nay, hai môn đồ cũng đạt được một kết quả phi thường, không kém bài giảng hôm trước, là có thêm hai ngàn người tin Chúa. Sự chống đối không làm Giáo hội chậm lại chút nào, Công vụ 4:4 cho thấy rằng quyền lực, sự ngăm đe, hăm dọa, đều vô hiệu trước sức mạnh của Tin lành, người bắt đầu theo Chúa Giêsu nhiều hơn chứ không ít hơn.
Trời đã tối rồi, quả thật, khi Đức Thánh Linh làm việc, cả người giảng lẫn người nghe đều không để ý đến thời gian, đối với một người truyền đạo, trước mắt họ, kết quả gặt hái là thức ăn thuộc linh làm cho người ta quên mệt nhọc.
Các quan chức và người Sa đu sê cũng đang có mặt ở đó từ đầu đến cuối, việc người què được chữa lành khiến họ ngạc nhiên, muốn nghe xem hai sứ đồ giải thích ra sao? Nhưng càng nghe, họ càng thấy lạ vì một giáo lý mà họ chưa từng biết, đó là sự sống lại sau khi chết.
Kinh thánh đã rất tỉ mĩ, khi nêu lên một sự kiện, là người Sa đu sê cùng các quan chức đến bắt hai sứ đồ. Vì sao?
Người Sa đu sê được Kinh thánh chỉ ra rằng họ không tin vào sự sống lại. Hôm nay, họ thấy hai người môn đồ của Chúa Giê su giảng về điều nầy, nhân cớ Chúa Giê su là người mà họ chủ mưu giết hại đã sống lại, thì rất tức bực, họ cho rằng đây là một tà thuyết nguy hiểm, không nên để thuyết lạ đó lọt vào tai dân chúng, nên họ sai quan binh đến bắt Phi e rơ và Giăng. Trời đã tối, họ tống giam hai ông vào ngục để ngày hôm sau phân xử.
*** Phi e rơ và Giăng trước Toà Công luận: câu 5-7
" Bữa sau, các quan, các trưởng lão, các thầy thông giáo nhóm tại thành Giê-ru-sa-lem, 6 với An-ne, là thầy cả thượng phẩm, Cai phe, Giăng, A-léc-xan-đơ và hết thảy mọi người thuộc về họ thầy cả thượng phẩm. 7 Họ bắt Phi-e-rơ và Giăng đến hầu trước mặt mình, và hỏi rằng: Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều nầy? "
** Toà Công luận: The Sanhedrin Council:
Tòa Công Luận là một hội đồng Do Thái, đóng vai trò là tòa án pháp luật, và cơ quan quản lý ở nước Y sơ ra ên cổ đại. Thuật ngữ "Sanhedrin" xuất phát từ tiếng Hy Lạp synedrion, có nghĩa là "hội đồng".
Tòa Công Luận được lãnh đạo bởi một thầy tế lễ thượng phẩm và một chủ tịch. Tòa Công Luận bao gồm Tòa Công Luận Lớn ở Giê-ru-sa-lem cũng như các Tòa Công Luận nhỏ hơn ở các thành phố trên khắp Y-sơ-ra-ên.
Các thành phần của Toà Công luận được nêu ở trên gồm Thầy Cả Thượng Phẩm và những người làm việc cho ông, các quan chính quyền, các Trưởng Lão, các nhà Thông thái tức là các nhà làm luật, họ đại diện cho một toà án tối cao, Chúa Giê su cũng đã từng bị tra hỏi trước Toà án nầy và bây giờ đến lượt Phi e rơ và Giăng.
Điều đáng chú ý là câu hỏi của họ với hai sứ đồ:
" Bởi quyền phép nào hay là nhân danh ai mà các ngươi làm điều nầy?"
Có hai điều họ muốn biết là " Do đâu mà có quyền phép như thế? Và Nhân danh ai để rao giảng?"
Xét về phương diện toà án, đây là hai câu hỏi thiết thực mà họ cần hỏi để đi đến những kết luận tiếp theo sau -
Dựa vào tinh ý của hai câu hỏi, chúng ta có thể thấy cái bóng của Chúa Giê su đang là mối đe doạ mà họ phải đối mặt và thấy bối rối.
***Phi-e-rơ dạn dĩ rao giảng cho các nhà lãnh đạo Do Thái. câu 8-12
" Bấy giờ Phi-e-rơ, đầy dẫy Đức Thánh Linh, nói rằng: Hỡi các quan và các trưởng lão, 9 nếu ngày nay chúng tôi bị tra hỏi vì đã làm phước cho một người tàn tật, lại hỏi chúng tôi thể nào người đó được lành, 10 thì hết thảy các ông, và cả dân Y-sơ-ra-ên đều khá biết, ấy là nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét, Đấng mà các ông đã đóng đinh trên thập tự giá, và Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, ấy là nhờ Ngài mà người nầy được lành mạnh hiện đứng trước mặt các ông. 11 Jêsus nầy là hòn đá bị các ông xây nhà bỏ ra, rồi trở nên hòn đá góc nhà. 12 Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu."
**Phi-e-rơ, được đầy dẫy Đức Thánh Linh:
Nếu chúng ta lưu tâm đến việc tìm hiểu thế nào là đầy dẫy Đức Thánh Linh, chúng ta sẽ để ý đến mỗi lần Kinh Thánh nói đến hai chữ " đầy dẫy"
chúng ta sẽ được biết người được đầy dẫy để làm gì, và khi đầy dẫy sẽ ra sao?
Có không ít người hiểu rất kỳ lạ và rất sai về đầy dẫy Đức Thánh Linh, dùng Thánh Linh làm màn che cho những tà thuật của chính mình, để tôn vinh mình và làm vấy bẩn sự thánh sạch của Hội Thánh.
Ở đây, Phi e rơ được Đức Thánh Linh đặt lời vào miệng để ứng phó với cả một Hội đồng tối cao của Y sơ ra ên, một Hội đồng qui tụ cả 70 người tài giỏi, học thức và hiểu biết lời Kinh Thánh hơn ai hết, làm sao Phi e rơ, một tay đánh cá có thể ứng phó với họ mà không có sự giúp đỡ của Chúa?
Bởi cớ đó, Chúa Giê su cũng có lần nhắn nhủ các môn đồ rằng, đừng sợ khi đứng trước nhà cầm quyền, Đức Thánh Linh sẽ giúp các ngươi trả lời. Đây là một thí dụ về điều mà Chúa Giê su nói đó.
Phi-e-rơ ngay lập tức được đổ đầy Thánh Linh lần nữa, thể hiện rõ qua sự dạn dĩ siêu nhiên và khả năng giảng Phúc âm trực tiếp vào trọng tâm của vấn đề.
Sự đầy dẫy Đức Thánh Linh mà Phi-e-rơ trải nghiệm trong Công vụ 2:4 (cùng với các môn đồ khác) không phải là sự kiện xảy ra một lần. Đó là điều Chúa muốn tiếp tục thực hiện trong cuộc đời họ.
Chính quyền Giê ru sa lem muốn dùng uy thế để uy hiếp Chúa Giê su khi trước, Phi e rơ và Giăng bấy giờ, nhưng cả Chúa Giê su và hai môn đồ đều không khiếp sợ. Giọng điệu trong câu trả lời của Phi-e-rơ cho thấy, ông không bị tòa án này đe dọa, mặc dù theo cách nói của con người, đáng lẽ ông phải bị đe dọa bởi chính tòa án mà đã đệ trình bảng án, đưa Chúa Giê-su đi đóng đinh.
Khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh, Phi e rơ không hề sợ hải, ông không đi quanh co, qua bài giảng, Phi e rơ nói ngay tâm điểm rằng, ông nhân danh Chúa Giê su làm tất cả các điều nầy và qua danh Ngài mà quyền phép được thực hiện.
"ấy là nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ ở Na-xa-rét,"
Phi e rơ cũng không ngại gì lên án cả Toà Công luận, đã đưa ra quyết định giết Chúa Giê su.
Phi e rơ còn nói thêm, Chúa Giê su cũng đã được Đức Chúa Trời làm cho sống lại, truyền lại thẩm quyền, phép lạ cho các môn đồ.
Có một điều đặt biệt trong bài giảng của Phi e rơ hôm nay, khi ông nói về " Đá góc nhà' " The Corner Stone" -
Trong Kinh Thánh, Chúa Giê-su Christ được ví là đá góc nhà, viên đá đầu tiên được đặt làm nền của một tòa nhà. Đá góc là tiêu điểm định hướng cho tất cả các viên đá khác được xây cho một công trình. Đức Thánh Linh đã dùng Phi e rơ để giảng một đề tài cao hơn, phù hợp hơn với các nhà lãnh đạo. Đức Thánh Linh trích dẫn trong Thi thiên 118: 19- 24 mà Vua Đa vít nói Đá góc nhà bị từ chối:
"Hãy mở cho tôi các cửa công bình, Tôi sẽ vào ngợi khen Đức Giê-hô-va. 20 Đây là cửa của Đức Giê-hô-va; Những ngươi công bình sẽ vào đó. 21 Tôi sẽ cảm tạ Chúa, vì Chúa đã đáp lời tôi, Trở nên sự cứu rỗi cho tôi. 22 Hòn đá mà thợ xây loại ra, Đã trở nên đá đầu góc nhà. 23 Điều ấy là việc của Đức Giê-hô-va, Một sự lạ lùng trước mặt chúng tôi. 24 Nầy là ngày Đức Giê-hô-va làm nên, Chúng tôi sẽ mừng rỡ và vui vẻ trong ngày ấy. "
Thợ xây lúc nào cũng phải canh theo hòn đá góc nhà, nhưng sao họ lại bỏ ra? Sao họ lại từ chối nó?
Có lẽ các nhà Thông thái có mặt ở đây đã đọc đoạn Kinh Thánh nầy nhiều lần mà không hiểu, bây giờ ông đánh cá dạy cho họ hiểu, và còn cho biết, hòn đá đó nói về Chúa Giê su, Ngài là quan yếu, Ngài là chuẩn, cho cả đền thờ được xây trên đó, vậy mà các ông bỏ nó ra, các ông từ chối nó.
Phi e rơ không chỉ công bố Chúa Giêsu là con đường cứu rỗi, mà còn là con đường cứu rỗi duy nhất. Ý tưởng cho rằng không có sự cứu rỗi nào khác và không có danh nào khác dưới trời ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu, là điều khó chấp nhận đối với nhiều người, nhưng đã được nêu rõ ràng ngay ở đây, vì Chúa thấy các bậc cầm quyền cần nên biết điều đó trước tiên.
Một kiến thức cao dường ấy trong lời trách mắng, trong sứ điệp, trong sự giải thích cho hai câu hỏi đã làm cho cả Toà Công luận nao núng, họ bối rối không biết xử làm sao, chính lời của Đức Thánh linh ban cho Phi e rơ có một thẩm quyền còn ấn tượng hơn là phép lạ mà họ trông thấy, kinh thánh chép trong hai câu 13 &14 tiếp theo:
"Khi chúng thấy sự dạn dĩ của Phi-e-rơ và Giăng, biết rõ rằng ấy là người dốt nát không học, thì đều lấy làm lạ; lại nhận biết hai người từng ở với Đức Chúa Jêsus. 14 Nhưng vì thấy người được chữa lành đứng bên hai người, nên chúng không có lời gì để bẻ bác được hết."
Chúng ta sẽ được biết tiếp theo họ sẽ làm gì với hai môn đồ - Nhưng hôm nay, chúng ta đã được học " Đầy dẫy Đức Thánh Linh" qua lời chứng, có những đặc điểm:
1/ Không sợ hải, nói dạn dĩ và thẳng thắn.
2/ Giảng Tin lành - Giới thiệu Chúa Giê su và sự cứu rỗi của Ngài.
3/ Sứ điệp thích ứng với trình độ của đối tượng.
Sau nầy, Phi e rơ có bài giảng cho chúng ta, ông giải thích rõ ràng hơn trong Phi e rơ I đoạn 2 câu 4-8 như sau:
"Hãy đến gần Ngài, là hòn đá sống, bị người ta loại ra, song được chọn và quí trước mặt Đức Chúa Trời, 5 và anh em cũng như đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng, làm chức tế lễ thánh, đặng dâng của tế lễ thiêng liêng, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ mà đẹp ý Đức Chúa Trời. 6 Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ. 7 Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quí; nhưng cho những kẻ không tin, thì Hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, Bèn trở nên đá góc nhà, là Đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã; 8 họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi."
*** Đức Chúa Trời đặt " Hòn đá góc nhà" để con người chọn lựa, nhưng ai từ chối hòn đá góc nhà sẽ bị đoán phạt.