Công vụ 3: " Bài giảng thứ nhì của Phi e rơ"
"Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa; Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng." Thi Thiên 36: 9
Công vụ 3: " Bài giảng thứ nhì của Phi e rơ"
Câu hỏi:
1/ Vì sao người Giu đa nhìn sửng Phi e rơ, Giăng và người què?
Phi e rơ trả lời họ ra sao?
2/ Phi e rơ cho biết phép lạ xảy ra qua danh của ai?
Có phải chỉ kêu danh đó là được chữa lành không?
3/ Phi e rơ lên án dân Giu đa về điều gì?
Tại sao đã lên án mà còn gọi họ là anh em?
4/ Mọi tội lỗi đã bị Đức Chúa Trời ghi chép, có cách nào xoá hay không?
Chỉ một phần nào được xoá hay tất cả hồ sơ được xoá?
5/ Muốn được xoá tội trạng thì phải làm gì?
Nhưng muốn được sự sống thì phải làm gì thêm nữa?
6/ Các Đấng Tiên tri thuở xưa đã có nói về Đấng Mê si không?
Dân Giu đa mong Đấng Mê si đến làm gì? Nhưng thật sự Đấng Mê si đã ban cho gì hơn thế nữa?
****
" Bài giảng thứ nhì của Phi e rơ"
*** Phi e rơ dùng cơ hội để nói về Chúa Giê su: câu 10 -12
"Người ta nhận là chính người đó đã ngồi tại Cửa Đẹp đền thờ đặng xin bố thí; nên đều bỡ ngỡ và sững sờ về việc đã xảy đến cho người. 11 Người ấy đang cầm tay Phi-e-rơ và Giăng, thì cả dân chúng lấy làm lạ, chạy đến cùng các người đó ở nơi hiên cửa gọi là Sa-lô-môn. 12 Phi-e-rơ thấy vậy, bèn nói với dân chúng rằng: Hỡi người Y-sơ-ra-ên, sao các ngươi lấy làm lạ về việc vừa xảy đến? Sao các ngươi ngó sững chúng ta, dường như chúng ta đã nhờ quyền phép hay là nhân đức riêng của mình mà khiến người nầy đi được vậy?"
** Sao các ngươi ngạc nhiên?
Người què rất quen thuộc với dân chúng, vì mỗi lần đi thờ phượng qua cửa Đẹp, người ta đều thấy người què đang xin ăn. Bây giờ người què đang cầm tay hai sứ đồ mà vào đền thánh. Hiện tượng đó đã thu hút sự chú ý của mọi người, có lẽ, mọi người đang tự hỏi, phải chăng hai môn đồ nầy cũng có phép lạ y như Chúa Giê su?
Phi e rơ dường như đọc được ý tưởng của họ, nên ông đính chính rằng:
"Sao các ngươi ngó sững chúng ta, dường như chúng ta đã nhờ quyền phép hay là nhân đức riêng của mình mà khiến người nầy đi được vậy?"
Sự khiêm nhu của Phi e rơ đã thể hiện trong câu nói nầy, rằng ông không phải là người có quyền phép, nhưng là người được Chúa dùng để thực hiện quyền phép, theo mục đích Chúa muốn, từ đó, Phi e rơ mới có thể giới thiệu chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Chúa Giê su, được các tiên tri trong cựu ước nói tiên tri từ hàng trăm năm trước.
Đây là bài giảng thứ hai của Phi e rơ, ngay chính trong hành lang của đền Giê ru sa lem, cũng bởi bài giảng nầy mà Phi e rơ và Giăng bị các Thầy Tế lễ bắt giam vào ngục, nhưng trong đoạn kế, cho biết chỉ qua hai bài giảng, số người theo Chúa tăng lên đến năm ngàn người.
*** Chúa Giê su được giới thiệu là Đấng được Đức Chúa Trời sai xuống: câu 13-15
" Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp, Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã làm vinh hiển đầy tớ Ngài là Đức Chúa Jêsus, là Đấng mà các ngươi đã bắt nộp và chối bỏ trước mặt Phi-lát, trong khi người có ý tha Ngài ra. 14 Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình; 15 các ngươi đã giết Chúa của sự sống, mà Đức Chúa Trời đã khiến từ kẻ chết sống lại, và chúng ta là người làm chứng về điều đó. "
** Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp:
Khi bắt đầu bài giảng bằng Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Phi e rơ muốn nói với người Y sơ ra ên rằng, đây là các Đấng được ghi chép trong Kinh Thánh, từ đó, Phi e rơ giới thiệu Chúa Giê su, lúc nào trọng tâm bài giảng của Phi e rơ đều nói về Chúa Giê su.
Phi e rơ cho người Y sơ ra ên biết, chính Chúa Giê su là Đấng được Đức Chúa Trời sai đến, là Đấng được Đức Chúa Trời cho sống lại sau khi bị chính người Y sơ ra ên giết chết, để xin tha cho một kẻ có tội, và chính ông là nhân chứng cho những điều đã xảy ra đó.
Là người Y sơ ra ên, chẳng ai không tự hỏi Đấng mà Tiên tri Ê sai nói trong sách Ê sai 42: 1 - 4 là ai?
" Nầy, đầy tớ ta đây, là kẻ ta nâng đỡ; là kẻ ta chọn lựa, là kẻ mà linh hồn ta lấy làm đẹp lòng. Ta đã đặt Thần ta trên người, người sẽ tỏ ra sự công bình cho các dân ngoại. 2 Người sẽ chẳng kêu la, chẳng lên tiếng, chẳng để ngoài đường phố nghe tiếng mình. 3 Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công bình. 4 Người chẳng mòn mỏi, chẳng ngã lòng, cho đến chừng nào lập xong sự công bình trên đất; các cù lao sẽ trông đợi luật pháp người."
Và trong cả Ê sai 53 đã ứng nghiệm hết thảy mọi điều mà Ê sai đã nói trước về cái chết của Chúa Giê su, liên quan đến tội ác của dân Y sơ ra ên.
Phi-e-rơ đã mạnh dạn lên tiếng, gán tội trạng về cái chết của Chúa Giê-xu, vào đúng vào nơi mà nó được xuất phát. Phi-lát, thống đốc La Mã, đã quyết định thả Ngài, nhưng đám đông Do Thái nhất quyết đóng đinh Chúa Giê su (Giăng 18:29-19:16).
Trên nghĩa đen, Người La Mã là dân Ngoại – cũng chịu trách nhiệm trong cái chết của Chúa Giê su.
Người La Mã sẽ không đóng đinh Chúa Giê su nếu không có áp lực từ các nhà lãnh đạo Do Thái, và người Do Thái không thể đóng đinh Chúa Giê su nếu không có sự chấp thuận của La Mã.
Chúa Giê su là bằng cớ chắc chắn về tội phạm của cả người Do Thái và dân Ngoại. Họ đều có chung tội lỗi về cái chết của Chúa Giê su.
Đúng vậy, trước mặt Đức Chúa Trời, Ngài đã cho phép cả dân ngoại và dân Y sơ ra ên, chất hết mọi tội lỗi lên Chúa Giê su, để Chúa Giê su đền tội cho hết thảy loài người. Không phải chính trị cũng không phải hoàn cảnh nghiệt ngã, đã làm cho Chúa bị đóng đinh, nhưng là chính tội lỗi của chúng ta.
Điều mà Phi e rơ dạn dĩ nói lên tội trạng của nhà cầm quyền ở Giê ru sa lem và dân chúng ngay tại chỗ của nó, xem ra cũng kỳ diệu không kém gì việc người què được chữa lành.
Một tôi tớ khi được Đức Thánh Linh mở miệng, để nói ra sứ điệp thật của Ngài, thì người ấy sẽ không dừng lại trước bất cứ thế lực nào. Phi e rơ không ngại gọi tên Chúa Giê su là Đấng Thánh, là "The Lord", một danh hiệu chỉ được dùng riêng cho Đức Chúa Trời mà thôi.
** Các ngươi đã giết Chúa của sự sống:
Prince of Life - Phi e rơ dùng từ " Chúa của sự sống" mang ý nghĩa Chúa Jesus là người cai trị, và có thẩm quyền trên mọi sự sống. Khi giảng giải về " Chúa của sự sống " Phao lô còn nhấn mạnh rằng Chúa Giê su còn là Chúa của mọi sự sống trong Cô lô se 1: 15- 18
"Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. 16 Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. 17 Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài. 18 Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu sanh trước nhất từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng."
Trong tiếng Hy lạp, " Prince" có nghĩa là người có thẩm quyền, người cai trị, người sáng lập. Cũng tương tự ý đó, Kinh Thánh cũng gọi Chúa Giê su là "Prince of Peace " " Chúa Hoà Bình"
** Lý do người què được chữa lành: câu 16
"Ấy là bởi đức tin trong danh Ngài, nên danh Ngài làm cho vững người nầy là người các ngươi thấy và biết; nghĩa là đức tin bởi Ngài mà ra, đã ban cho người nầy sự mạnh khỏe trọn vẹn, tại trước mặt hết thảy các ngươi."
Bằng cách khéo léo, Phi e rơ cho mọi người biết, dù Chúa Giê su không có mặt ở đây, nhưng danh Ngài có đầy đủ thẩm quyền, tin vào danh Chúa Giê su thì được chữa lành. Phi e rơ đã thật sự tránh đưa công trạng của mình vào việc chữa lành cho người què, ông muốn cho mọi người biết một bí quyết và là một sự thật, là sự chữa lành không nằm nơi người tuyên bố, mà dựa vào chính đức tin vào danh Chúa Giê su của người đó.
Mặc dù người què chưa biết về điều nầy, nhưng ông được Chúa xử dụng như một minh chứng cụ thể cho mọi người được thấy.
Tin qua danh Chúa Giê su không chỉ đơn giản là tin qua một cái tên, nhưng là tin tất cả những gì qua bản chất của danh tính người đó.
Tin danh Chúa Giê su là tin vào sự công chính, tin vào sự cứu rỗi, cùng với mọi điều dạy dỗ từ Ngài.
** Hãy ăn năn và trở lại: Câu 17 -21
" Hỡi anh em, bây giờ ta biết anh em và các quan của anh em, vì lòng ngu dốt nên đã làm điều đó. 18 Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng cách đó mà làm cho ứng nghiệm lời Ngài phán tiên tri bởi miệng các đấng tiên tri rằng Đấng Christ của Ngài phải chịu đau đớn. 19 Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi, 20 hầu cho kỳ thơ thái đến từ Chúa, và Chúa sai Đấng Christ đã định cho các ngươi, tức là Jêsus, 21 mà trời phải rước về cho đến kỳ muôn vật đổi mới, là kỳ mà Đức Chúa Trời thuở xưa đã phán trước bởi miệng các thánh tiên tri."
*** Hỡi anh em:
Mặc dù Phi-e-rơ đã nói với dân Giu đa rõ ràng về tội lỗi của họ, nhưng ông không ghét họ. Ông không gọi họ bằng câu:" hỡi những kẻ khốn nạn ô uế và kinh tởm kia." Nhưng ông vẫn kết nối với họ như những người anh em.
Phi-e-rơ đã hai lần cáo buộc họ chối bỏ Chúa Giê-su trong câu 13 & 14 - một điều mà chính Phi-e-rơ cũng đã làm.
Phi e rơ nói: Tôi biết rằng anh em "vì lòng ngu dốt nên đã làm điều đó, " chứng tỏ ông nhận ra, khi họ kêu gọi hành quyết Chúa Giê-su trong sự thiếu hiểu biết về kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời.
Điều này không làm cho họ trở nên vô tội, nhưng nó đã được thẩm định cẩn thận bản chất tội lỗi của hành vi đó. Nếu chúng ta phạm tội trong sự thiếu hiểu biết, thì đó vẫn là tội lỗi; nhưng nó khác với tội lỗi được thực hiện với sự hiểu biết đầy đủ.
Ở đây, vì Đức Thánh Linh dùng môi miệng của Phi e rơ để nói chuyện với dân Giu đa, nên chúng ta cũng có thể hiểu, đó là cách nhìn của một Đức Chúa Trời công bình trước tội nhân. Ngài cố tìm một lý do để họ được lý giải tội lỗi của mình và ăn năn.
*** Phi e rơ kêu gọi ăn năn lần nữa:
"Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi,"
Phi-e-rơ đã mạnh dạn nói với dân Giu đa về tội lỗi của họ, nhưng ông không chỉ muốn khiến họ cảm thấy tồi tệ. Đó không phải là mục tiêu, mục tiêu là khuyến khích họ ăn năn và tin.
Phi e rơ muốn họ thay đổi suy nghĩ và hành động. Phi e rơ kêu gọi sự ăn năn đối với tội nhân y hệt như tiên tri Ê sai đã làm, điều nầy nói lên sự nhân từ vô biên của Đức Chúa Trời, Ngài không muốn tội nhân tuyệt vọng vì tội lỗi của mình, lúc nào trong hoàn cảnh đó, Chúa cũng mở ra một con đường: Ăn năn với hy vọng, ăn năn để được phục hồi, không phải chỉ một phần, nhưng là toàn diện.
Chúng ta là cơ đốc nhân, cần biết điều nầy nơi Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng, Ngài không để tội nhân ấp ủ, buồn thảm trong tội trạng của mình rồi chết, nhưng Ngài muốn họ xưng ra, rời bỏ, ăn năn, thực hiện sự công chính thì lời hứa sẽ y như sách Ê sai 1: 16-19
"Hãy rửa đi, hãy làm cho sạch! Hãy tránh những việc ác khỏi trước mắt ta. Đừng làm dữ nữa. 17 Hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình; hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, làm công bình cho kẻ mồ côi, binh vực lẽ của người góa bụa. 18 Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên. 19 Nếu các ngươi sẵn lòng vâng lời, sẽ ăn được sản vật tốt nhất của đất."
Cũng như trong bài giảng thứ nhất, Phi-e-rơ cũng biến ăn năn thành một từ mang lại hy vọng. Ông nói với họ rằng họ đã làm sai; nhưng họ có thể thay đổi và cần trở nên đúng đắn với Chúa.
** Lời khuyên quay về với Chúa Giê su: câu 22 -26
"Môi-se có nói rằng: Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta sẽ dấy lên trong anh em các ngươi một Đấng tiên tri như ta; các ngươi phải nghe theo mọi điều Ngài sẽ phán dặn. 23 Hễ ai không nghe Đấng tiên tri ấy sẽ bị truất khỏi dân sự. 24 Hết thảy các tiên tri đã phán, từ Sa-mu-ên và các đấng nối theo người, cũng đều có rao truyền những ngày nầy nữa. 25 Các ngươi là dòng dõi của các đấng tiên tri, và của giao ước Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ chúng ta, khi Ngài phán cùng Áp-ra-ham rằng: Các dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước. 26 Đức Chúa Trời đã dấy Đầy tớ Ngài lên, rồi trước hết sai Người xuống ban phước cho các ngươi, mà dắt ai nấy trong bọn các ngươi xây lại khỏi tội ác mình."
Ngày xưa, người ta dùng hai chữ "Cải đạo" " To be Coverted" cho người Do Thái khi tin vào Chúa Giê su, thật sự, vẫn là một Đức Chúa Trời, nhưng cần nhận biết ra thời điểm và cách của Đức Chúa Trời đang hành động, là quay về với Chúa bằng một sự đổi mới.
Phi-e-rơ kêu gọi như thế vì ông biết sự cần thiết của việc cải đạo, một công việc mang lại sự sống mới cho người tin Chúa Giê su.
Đối với dân Giu đa, trở thành một Cơ đốc nhân, không phải là “lật sang một trang mới”, mà là trở thành một tạo vật mới trong Chúa Giê-su Christ (2 Cô-rinh-tô 5:17).
" Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới."
Bởi cớ đó, Chúa Giê su kêu gọi Ni cô đem cần phải tái sinh.
** Tội lỗi được xoá bỏ: " your sins may be blotted out "
Đôi khi từ ngữ được dùng trong Kinh Thánh phản ánh được ít nhiều chi tiết trong đời sống thời xưa, Phi e rơ dùng chữ " chùi sạch" ở đây rất thú vị, nó có nghĩa, mọi tội của mỗi người đều được ghi trên giấy (hồ sơ tội trạng), mà loại giấy ngày xưa không "cắn" được mực, nên chỉ cần dùng cái giẻ ướt là chùi ra hết. Hình ảnh đó dễ hiểu cho người Giu đa, nhưng trong nghĩa bóng, chính Đức Chúa Trời ghi chép lại mọi thứ, và cũng chính Ngài có thẩm quyền chùi sạch nó.
** Lời hăm doạ cho những kẻ từ chối Chúa Giê su:
Phi e rơ nêu ra Môi se đã nói đến Đấng Tiên tri mà Đức Chúa Trời sai đến chính là Chúa Giê su trong Phục truyền 18: 15 -19
"Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo đấng ấy! 16 Đó là điều chính ngươi đã cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại Hô-rếp, trong ngày nhóm hiệp, mà rằng: Cầu xin tôi chớ nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi nữa, và chớ thấy đám lửa hừng nầy nữa, e tôi chết chăng. 17 Bấy giờ, Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Chúng nó nói có lý; 18 ta sẽ lập lên cho chúng một đấng tiên tri như ngươi, thuộc trong anh em chúng, ta sẽ lấy các lời ta để trong miệng ngươi, thì người sẽ nói cho chúng mọi điều ta phán dặn ngươi. 19 Bằng có ai không nghe theo lời ta mà đấng tiên tri nhân danh ta nói, thì ta sẽ hạch ai đó."
Phi e rơ cũng nêu ra những tiên tri bắt đầu từ Sa mu ên cho đến về sau, đã nói về ngày mà muôn vật phải đổi mới, cùng với lời hứa của Chúa với dòng dõi Áp ra ham, lan ra cho đến nhiều thế hệ sau. Nếu ai không nghe theo những lời tiên tri nầy sẽ bị truất khỏi dân sự, có nghĩa là bị tiêu diệt.
Với bài giảng thứ hai, lại có thêm hai ngàn người tin Chúa và Phi e rơ và Giăng bị bắt vào tù được kể lại trong đoạn tiếp.
Người què ở Cửa Đẹp chỉ muốn có bữa ăn, nhưng Chúa cho ông có một đời sống mới lành lặn. Dân Giu đa muốn Chúa Giê su là Đấng Mê si để giúp họ thoát khỏi ách nô lệ của La mã, nhưng Chúa lại cho họ nhiều điều tốt hơn lòng mong ước đó: Một đời sống mới, phước hạnh và trường tồn mãi mãi bên Ngài.