CV 2:"Đức Thánh Linh tuôn đổ trên Hội Thánh đầu tiên"
" Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống." Ê xê chiên 37:14a
Công Vụ 2: " Đức Thánh Linh tuôn đổ trên Hội Thánh đầu tiên"
Câu hỏi:
1/ Đức Thánh Linh đến với các môn đồ sau khi Chúa Giê su đã đi đâu?
Đức Thánh Linh đến với ai? vào lúc nào? Có biết chính xác lúc Ngài đến không?
2/ Khi Đức Thánh Linh đến, người ta nghe thấy tiếng gì? Từ đâu tới? Gió tượng trưng cho ai?
3/ Sau đó người ta thấy gì? Tất cả mọi người nghe tiếng gió, nhưng có hình ảnh gì chỉ cho từng người?
lữa Thánh Linh tượng trưng cho gì? xem Rô ma 12: 1 và theo Ê sai 6: 6 &7 ? Xin xem ở cuối trang.
4/ Lưỡi lữa đậu trên mỗi người có ý nghĩa gì? Trong Kinh Thánh, lưỡi lữa có xuất hiện lần thứ hai không?
Như vậy, chúng ta có nghĩ rằng thấy được lưỡi lữa thì mới có Đức Thánh Linh ngự trong mình không?
5/ Các biểu tượng được thấy và nghe, nhưng Ân tứ thật sự là gì?
Ngày nay, dù chúng ta không còn được thấy và nghe hai biểu tượng trên, nhưng chúng ta có gì?
6/ Đức Thánh Linh tự đến, tự hành động trên Hội Thánh với mục đích gì? Ai giả Đức Thánh Linh bạn có nhận ra không?
Với những người phô trương mình đầy dẫy Đức Thánh Linh bằng cảm xúc, bạn có nên gọi họ là Ngũ tuần không? Tại sao?
***
" Trải nghiệm ban đầu về sự đầy dẫy Đức Thánh Linh"
*** Các môn đồ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Câu 1-4a
"Đến ngày lễ Ngũ Tuần, môn đồ nhóm họp tại một chỗ. 2 Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. 3 Các môn đồ thấy lưỡi rời rạc từng cái một, như lưỡi bằng lửa hiện ra, đậu trên mỗi người trong bọn mình. 4 Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh,"
Lễ Ngũ Tuần:
Đây là một lễ của người Do Thái được tổ chức 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Lễ này kỷ niệm những gặt hái của vụ thu hoạch lúa mì.
Trong nghi lễ, những trái đầu mùa và lúa mì được dâng lên Chúa; do đó, Lễ Ngũ Tuần được gọi là ngày của những trái đầu mùa (Dân số ký 28:26).
" Trong kỳ lễ của các tuần, nhằm ngày hoa quả đầu mùa, khi các ngươi dâng cho Đức Giê-hô-va của lễ chay mới, thì phải có sự hội hiệp thánh; chớ nên làm một công việc xác thịt nào."
Truyền thống Do Thái cũng dạy rằng Lễ Ngũ Tuần (Pentecost) tiếng Do Thái gọi là Shavuot, đánh dấu ngày Luật pháp được ban cho Israel qua Môi se.
Người Do Thái đôi khi gọi Lễ Ngũ Tuần là zman matan torah hoặc "mùa ban hành luật pháp".
Vào Ngày Lễ Ngũ Tuần trong Cựu Ước, Israel đã nhận được Luật pháp; và vào Ngày Lễ Ngũ Tuần trong Tân Ước, Hội thánh đã nhận được Thánh Linh của Ân điển một cách trọn vẹn.
Đây là ngày lễ lớn có nhiều người tham dự nhất, người Y sơ ra ên ở các quốc gia lân cận, có cả người ngoại quốc cùng tụ họp lại, nên Lễ Ngũ tuần vào thời điểm nầy còn mang tính chất quốc tế ở Jerusalem.
Lê-vi Ký 23:15-21 đưa ra những chỉ dẫn ban đầu về lễ Ngũ Tuần.
"Kể từ ngày sau lễ sa-bát, là ngày đem bó lúa dâng đưa qua đưa lại, các ngươi sẽ tính bảy tuần lễ trọn: 16 các ngươi tính năm mươi ngày cho đến ngày sau của lễ sa-bát thứ bảy, thì phải dâng một của lễ chay mới cho Đức Giê-hô-va. 17 Các ngươi hãy từ nhà mình đem đến hai ổ bánh đặng làm của lễ dâng đưa qua đưa lại; bánh đó làm bằng hai phần mười bột lọc hấp có pha men: ấy là của đầu mùa dâng cho Đức Giê-hô-va. 18 Các ngươi cũng phải dâng luôn với bánh, bảy chiên con giáp năm chẳng tì vít chi, một con bò tơ, và hai con chiên đực với của lễ chay và lễ quán cặp theo, đặng làm của lễ thiêu tế Đức Giê-hô-va: ấy là một của lễ dùng lửa xông, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va. 19 Các ngươi cũng phải dâng một con dê đực đặng làm của lễ chuộc tội, và hai chiên con giáp năm, đặng làm của lễ thù ân. 20 Thầy tế lễ sẽ lấy các của lễ đó với hai ổ bánh bằng lúa đầu mùa, và hai chiên con, dâng đưa qua đưa lại trước mặt Đức Giê-hô-va; các vật đó sẽ biệt riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, và thuộc về thầy tế lễ. 21 Các ngươi hãy rao truyền sự nhóm hiệp trong chính một ngày đó; phải có một sự nhóm hiệp thánh, chớ nên làm một công việc xác thịt nào. Ấy là một lệ định đời đời cho dòng dõi các ngươi, mặc dầu ở nơi nào."
Đoạn Kinh Thánh trên nói Chúa đòi hỏi có hai ổ bánh mì có men sẽ được thầy tế lễ vẫy trước mặt Chúa như một phần của lễ kỷ niệm.
Chẳng phải có hai ổ bánh sao? Không chỉ dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, mà cả đám đông dân ngoại cũng sẽ quay về với Chúa Giê-xu Christ.
Theo ý nghĩa truyền thống, "hai ổ bánh mì có men" được dâng vào Ngày Lễ Ngũ Tuần tượng trưng cho sự hiệp nhất giữa người Do Thái và dân ngoại, tượng trưng cho việc Đức Thánh Linh giáng lâm, sẽ quy tụ mọi người từ mọi quốc gia, để trở thành một phần của dân Chúa, về cơ bản là hợp nhất hai nhóm thành một thông qua Chúa Giê su. Người Do thái tin nhận Chúa Giê su, cùng lúc với người ngoại tin Chúa Giê su là hình ảnh của hai ổ bánh mì có men, như trong Ê phê sô 2: 14-19 nói rằng:
" Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, 15 là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài, 16 và vì bởi thập tự giá Ngài đã làm cho sự thù nghịch tiêu diệt, nên nhờ thập tự giá đó Ngài khiến cả hai hiệp thành một thể, mà làm hòa thuận với Đức Chúa Trời. 17 Ngài lại đã đến rao truyền sự hòa bình cho anh em là kẻ ở xa, và sự hòa bình cho kẻ ở gần. 18 Vì ấy là nhờ Ngài mà chúng ta cả hai đều được phép đến gần Đức Chúa Cha, đồng trong một Thánh Linh. 19 Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời."
** Đức Thánh Linh đến như thế nào?
Khi các môn đồ nhóm họp lại cùng một chỗ, họ cùng nhau chia sẻ một tấm lòng, cùng một tình yêu dành cho Chúa, cùng một niềm tin vào lời hứa của Ngài, mà chờ đợi Đức Thánh Linh đến như lời hứa, các môn đồ nhận ra rằng họ không có đủ nguồn lực để làm những gì họ có thể làm hoặc nên làm; thay vào đó, họ phải dựa vào công việc của Chúa.
Một trăm hai mươi người đã chờ đợi bao lâu, từ khi Chúa Giê su thăng thiên? Trong bản dịch tiếng anh nói: "They waited until the Day of Pentecost had fully come" tức là đến 10 ngày sau đó.
Và đây là cảnh tượng khi Đức Thánh Linh đến, trong bầu không khí của sự mong đợi trang nghiêm, Thình lình Đức Thánh Linh đến với cả tập thể trong căn phòng, Ngài đến trong tiếng động của một cơn gió lớn, phát ra từ Trời, bản dịch tiếng anh có thể làm chúng ta dễ đắm chìm vào cảnh trạng khó tả nầy:
" And suddenly there came a sound from heaven, as of a rushing mighty wind, and it filled the whole house where they were sitting."
A rushing mighty wind là tiếng gió trong cơn bão lớn, khiến người ta cảm thấy rất nhỏ bé và run sợ.
Trong Kinh Thánh, cả tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, đều dùng từ có nghĩa là Spirit, Chúa Thánh Linh được gọi là Holy Spirit - Spirit cũng là từ chỉ hơi thở hoặc gió. Ở đây, âm thanh từ thiên đàng là âm thanh của Chúa Thánh Linh đang đổ xuống trên các môn đồ. Sách Ê xê chiên 37: 9-14
" Bấy giờ Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi hơi thở, khá đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, hầu cho chúng nó sống. 10 Vậy ta nói tiên tri như Ngài đã phán dặn ta, và hơi thở vào trong chúng nó; chúng nó sống, và đứng dậy trên chân mình, hiệp lại thành một đội quân rất lớn. 11 Ngài phán cùng ta rằng: Hỡi con người, những hài cốt nầy, ấy là cả nhà Y-sơ-ra-ên. Nầy, chúng nó nói rằng: Xương chúng ta đã khô, lòng trông cậy chúng ta đã mất, chúng ta đã tuyệt diệt cả! 12 Vậy, hãy nói tiên tri, và bảo chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi dân ta, nầy, ta sẽ mở mồ mả các ngươi, làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả, và ta sẽ đem các ngươi về trong đất của Y-sơ-ra-ên. 13 Hỡi dân ta, các ngươi sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va, khi ta đã mở mồ mả các ngươi, và làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả. 14 Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống. Ta sẽ lại lập các ngươi trong đất riêng của các ngươi; rồi các ngươi sẽ biết rằng ta, Đức Giê-hô-va, sau khi hứa lời ấy thì đã làm thành, Đức Giê-hô-va phán vậy. "
Đoạn Kinh Thánh trên có ý nói Gió, Hơi thở, hay Thần linh Chúa sẽ khiến các bộ xương khô sống lại, là hình ảnh về năng lực huyền nhiệm của Đức Thánh Linh.
Chỉ một dòng chữ ngắn trong câu số 2: " Thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi."
đủ để diễn tả cảnh Đức Thánh Linh chuyển động như thế nào, trong Hội Thánh đầu tiên, các môn đồ được chứng kiến Đức Thánh Linh đến với Tai nghe, Mắt thấy và Lòng cảm nhận.
Gió Thánh Linh đến hôm nay rất ồn ào, rất dễ sợ, để chứng tỏ cho người theo Chúa biết, họ đang có một Đấng mạnh sức, Đấng vô song, đang đến với họ, giúp họ làm những điều Chúa Giê su trao lại cho họ.
*** Lưỡi bằng lữa đậu trên mỗi cá nhân:
Có những lưỡi bằng lữa từng cái một hiện ra với các môn đồ, và một lưỡi bằng lữa đậu trên mỗi người. Những lưỡi lửa nầy liên quan đến lời tiên tri của Giăng Báp tít nói rằng Chúa Jesus sẽ làm phép báp têm bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa (Ma-thi-ơ 3:11)
" Về phần ta, ta lấy nước mà làm phép báp-tem cho các ngươi ăn năn; song Đấng đến sau ta có quyền phép hơn ta, ta không đáng xách giày Ngài. Ấy là Đấng sẽ làm phép báp-tem cho các ngươi bằng Đức Thánh Linh và bằng lửa."
Hình ảnh của Lưỡi lữa ở đây, còn là biểu tượng của sự thanh tẩy, giống như người thợ bạc dùng lửa để thanh lọc ra vàng ròng; hoặc lửa có thể thiêu rụi những gì tạm thời, chỉ để lại những gì tồn tại lâu dài. Đây là một minh họa tuyệt vời về nguyên tắc rằng sự đầy dẫy Đức Thánh Linh không chỉ cho quyền năng, mà còn dành cho sự thanh sạch.
Theo sách Rô ma 12: 1
" Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em."
Đức Chúa Trời đến với từng người một trong Hội Thánh đầu tiên với Lưỡi lữa, còn có nghĩa Ngài đẹp lòng nhậm lấy những của lễ sống động đâng lên cho Ngài mà Phao Lô cho rằng đó là sự thờ phượng phải lẽ.
Vì sao Kinh Thánh dùng chữ " đậu" mà không phải là lướt qua? Nguyên bản có nghĩa là "sat" tức ngự ngay tại đó, tại một vị trí ổn định.
Trong cựu ước, Đức Thánh Linh hoạt động trên toàn dân Y sơ ra ên, là một tập thể, dưới hình thức của một đất nước.
Nhưng theo Giao ước Mới, Đức Thánh Linh ngự trên dân sự của Chúa như những cá nhân – Lưỡi lửa ngự trên mỗi người trong số họ.
Hiện tượng kỳ lạ này chưa từng xảy ra trước đây và sẽ không bao giờ xảy ra nữa trong các trang Kinh thánh, nhưng được đưa ra để nhấn mạnh rằng Đức Thánh Linh của Chúa hiện diện với, trong và trên mỗi cá nhân riêng biệt.
*** " Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh,"
Việc Đức Thánh Linh đến với tất cả các môn đồ trong tiếng gió thổi mạnh, với hình ảnh của những lưỡi lữa mà mắt họ được thấy, tai họ được nghe qua hiện tượng, nhưng Ân tứ thật sự bên trong là họ được " đầy dẫy Đức Thánh Linh"
Là con cái Chúa, ai cũng mong ước được " Đầy dẫy Đức Thánh Linh"- Qua cảnh tượng ở phòng cao với 120 người nầy, chúng ta có thể rút ra được nhiều yếu tố để chính chúng ta cũng được " Đầy dẫy Đức Thánh Linh" như các môn đồ khi xưa:
- Các môn đồ được đầy dẫy trong sự ứng nghiệm của một lời hứa.
- Họ được đầy dẫy khi họ tiếp nhận trong đức tin.
- Họ được đầy dẫy trong thời điểm của Đức Chúa Trời.
- Họ được đầy dẫy khi họ ở cùng nhau trong sự hiệp nhất.
- Họ được đầy dẫy theo những cách khác thường và phi thường, không ai bắt chước hay làm giả được.
*** Sự hiện đến và sự đầy dẫy Đức Thánh Linh nầy rất tốt lành, rất cần thiết cho công việc của cộng đồng Cơ Đốc nhân đầu tiên, đến nỗi Chúa Giê-su thực sự đã nói rằng khi Ngài sẽ rời khỏi thế gian này để Ngài có thể sai Đức Thánh Linh đến (Giăng 16:7).
"Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến."
Chúa Giê su cũng nói thêm, qua Đức Thánh Linh, những môn đồ theo Chúa sau nầy sẽ làm được nhiều việc lớn hơn cho Nước Trời hơn cả Chúa Giê su đã làm. Giăng 14: 12
"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha."
Đức Thánh Linh là lớn lắm, Ngài ban năng quyền để giúp người theo Chúa làm những việc có ích cho Nước Trời.
Ngài cũng là Thầy hướng dẫn cho người ta vào Lẽ Thật - Đừng nói phạm đến Đức Thánh Linh, cũng đừng làm điều gì giả dối về Đức Thánh Linh.
Đức Thánh Linh là Thần, Ngài là Đấng sai khiến, chứ không phải bị sai khiến bởi con người.
Chúng ta nên cẩn thận về một Đấng vĩ đại đang ở trong chúng ta vì Chúa Giê su có dặn trong Ma thi ơ 12: 32 rằng:
"Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha."
Chúng ta sẽ được học trong phần kế, những bằng chứng cụ thể về sự " Đầy dẫy Đức Thánh Linh"
Rô ma 12: 1
" Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em."
Ê sai 6 &7
"Bấy giờ một sê-ra-phin bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ, 7 để trên miệng ta, mà nói rằng: Nầy, cái nầy đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi."