Công vụ 1: " Môn đồ chờ đợi lời hứa ban Đức Thánh Linh"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Sự công bình và sức mạnh chỉ ở trong Đức Giê-hô-va, người ta sẽ đến cùng Ngài." Ê sai 45: 24

Công vụ 1: " Môn đồ chờ đợi lời hứa ban Đức Thánh Linh"

 

Đọc Công vụ đoạn 1: 1-9

 

Câu hỏi:

 

1/ Sách Công vụ kéo dài trong khoảng bao nhiêu năm?
    Các hoạt động được mô tả trong môi trường nào?

 

2/ Giai đoạn Chúa Giê su chấm dứt ở sự kiện nào?
    Sau đó thì Đấng nào sẽ tới để thay thế?

 

3/ Điều gì được gọi là " Lời hứa của Đức Chúa Cha?"
Tại sao các môn đồ phải đợi mà không ra làm việc ngay ?

 

4/ Có hai điều căn bản để nhận lãnh được lời hứa của Chúa Cha là gì?

 

5/ Lúc các môn đồ làm báp têm nước, họ thiếu điều gì quan trọng?
     Bây giờ chúng ta làm Báp têm có thiếu điều đó không?

 

6/ Nhiệm vụ làm chứng của các môn đồ có thực sự đơn giản không?
       Các nơi mà Chúa Giê su bảo họ ra làm chứng có đặc điểm gì?

 

            "Môn đồ chờ đợi lời hứa ban Đức Thánh Linh"

 

** " Nhân vật tên Thi ô phi lơ" Câu 1

 

"Hỡi Thê-ô-phi-lơ, trong sách thứ nhất ta, ta từng nói về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu"



  Luca chỉ viết 2 sách Phúc âm Lu ca và Công vụ các sứ đồ. Ban đầu đó là một sách có hai phần, do đó, sau khi kết thúc sách Lu ca, với cảnh Chúa Giê su được cất lên Trời, các môn đồ làm theo lời hứa của Chúa, lên Giê ru sa lem tụ họp ở đó, chờ đợi Đức Thánh Linh được ban xuống.


Thi ô phi lơ là một nhân vật được tôn trọng nào đó, mà trong cả hai sách, Lu ca đều báo cáo các sự kiện cho người nầy, giống như Lu ca đang làm một công tác ghi chép lại lịch sử thiêng liêng của Hội Thánh ban đầu.

Đã có lúc, nhiều học giả nghĩ rằng sách Công vụ là một cuốn tiểu thuyết tưởng tượng, đi kèm với thời kỳ đầu của hội thánh, sách được viết nhiều năm sau khi các sự kiện đã xảy ra. Nhưng William Ramsay, một nhà khảo cổ học và là học giả Kinh thánh nổi tiếng, đã chứng minh rằng, hồ sơ lịch sử của Công vụ rất chính xác về những thực hành, luật lệ và phong tục cụ thể, của thời kỳ mà nó được ghi lại. Đó chắc chắn là tác phẩm của những nhân chứng đương thời.

 Sách Công vụ kéo dài khoảng 30 năm và đưa chúng ta đến đoạn cuối là khoảng năm 60 hoặc 61 sau Công Nguyên, khi Phao-lô ở Rô-ma chờ trình diện trước Sê-sa Nero. Cũng chính Nero này đã bắt đầu cuộc đàn áp khét tiếng đối với những người theo đạo Cơ đốc vào năm 64 sau Công Nguyên.

Sách Công vụ không có mục đích cung cấp cho chúng ta toàn bộ lịch sử của hội thánh trong thời kỳ này. Ví dụ, các hội thánh ở Ga-li-lê và Sa-ma-ri hầu như chỉ được nói sơ qua (Công vụ 9:31), cả việc thành lập một hội thánh ở Ai Cập trong thời gian này cũng không được đề cập đến.


 Nhưng sách Công vụ mô tả sự tiếp tục những công việc của Chúa Giêsu qua một giai đoạn mới, với những người mới. Đó là các hoạt động trong Hội Thánh. 


Sự tiếp tục đó lan rộng và kéo dài mãi cho đến thời đại của chúng ta, có nghĩa Đức Chúa Trời đang tiếp tục làm việc trên thế giới, bởi Thánh Linh, thông qua Hội thánh của Ngài. Do đó, chúing ta nên nghiên cứu sách Công vụ với hai mục đích:



1/ Nhìn xem bàn tay vô hình nhưng thiết thực của Chúa, đã và đang thực hiện nhiều điều trên Hội thánh, để công việc của Hội thánh không bị đứt đoạn mà truyền từ đời nầy sang đời kia.
2/ Theo dõi hoạt động của Đức Thánh Linh, sự chăm sóc, thúc giục, dẫn dắt rất tích cực của Ngài với sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong Hội Thánh.

 

** Thuật lại cảnh Chúa Giê su Thăng thiên: câu 2-9

 

" cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn. 3 Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời. 4 Lúc ở với các sứ đồ, Ngài dặn rằng đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa, là điều các ngươi đã nghe ta nói. 5 Vì chưng Giăng đã làm phép báp-tem bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh. 6 Vậy, những người nhóm tại đó thưa cùng Ngài rằng: Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng? 7 Ngài đáp rằng: Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết. 8 Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. 9 Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa. "

 

** "Chúa Giê su cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn":

Chúa Giê-su đã phục sinh và vinh hiển, đã sống lại với mọi uy quyền và quyền tối thượng. Tuy nhiên, Ngài vẫn chọn không dựa vào nguồn lực của chính mình, mà dựa vào quyền năng và sự hiện diện của Đức Thánh Linh ngự trong mình để truyền lời cuối cho các môn đồ.

Lời dạy mà Chúa Giê-su nói với các môn đồ sau khi Ngài phục sinh không được ghi lại, nhưng chúng ta được biết rằng Ngài đã dùng thời gian đó để nói về những điều liên quan đến vương quốc của Đức Chúa Trời.

Đức Thánh Linh là Ngôi thứ ba trong ba ngôi Đức Chúa Trời, Ngài được biểu hiện bằng quyền năng sống động, Ngài có thể truyền cho con người cảm hứng (Inspire), vừa ban cho họ cả quyền phép(Empower). Nhưng Đức Thánh Linh là một Ngôi vị, không phải chỉ là Quyền năng của Đức Chúa Trời.

 

** "Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép"



  Chúa Thánh linh làm việc trên từng con cái Chúa, và cả trên những người chưa tin Chúa. Nếu Chúa Giê-su phục sinh vinh hiển mà vẫn trông cậy vào Đức Thánh Linh, để Ngài làm hưng phấn trong lòng các môn đồ, thì chúng ta cũng nên như vậy, cũng nên trông cậy vào Đức Thánh Linh.

    Đây là khuôn mẫu cho phần còn lại của Sách Công vụ, cho chúng ta thấy Đức Thánh Linh hành động như thế nào qua Hội thánh.

** " Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên"

Đối với các môn đồ, Chúa Giê su đã đến với họ trong suốt một thời gian 40 ngày, chứng tỏ cho họ biết, Ngài đã thực sự trải qua thương khó và sống lại, để họ vững tin trong tương lai, khi không có mặt Chúa Giê su. Ngài trao họ lại cho Đức Thánh Linh, một người Thầy mới rồi lên Trời, dưới sự chứng kiến của nhiều người.

 Trong I Cô rinh tô 15: 6 cho biết có tới hơn 500 người trông thấy:

"Rồi đó, cùng trong một lần, Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em xem thấy, phần nhiều người trong số ấy hiện bây giờ còn sống, nhưng có mấy người đã ngủ rồi."



Thời gian mà Phao lô đề cập ở đây vào khoảng 25 năm sau khi Chúa Giê su về Trời. Như vậy, việc Chúa Giê su Phục sinh, kèm với lúc Chúa thăng thiên, có đến hơn 500 nhân chứng.

 

" Đừng ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở đó chờ điều Cha đã hứa."

 

  Có bao giờ chúng ta muốn chờ đợi một điều gì mà không biết nó sẽ đến khi nào hay không? Trước khi biết Chúa, chắc chúng ta phàn nàn, nhưng sau khi đã trở thành một tín hữu trưởng thành, chúng ta quen với sự chờ đợi, mà không cần hỏi tại sao.

Chúa dạy chúng ta vâng lời và tin tưởng, thiếu một trong hai yếu tố nầy, chúng ta không đợi được. Người có đức tin là người biết chờ đợi.

Các môn đồ phải chờ đợi, không thể đi ra, vì nếu không có Đức Thánh Linh, mọi việc sẽ không thể bắt đầu.

 Họ thực sự không thể làm gì hữu hiệu cho Nước Thiên Chúa cho đến khi Đức Thánh Linh đến. Chúa Giê su cho họ họ biết, sự chờ đợi sẽ không lâu vì Ngài nói: " trong ít ngày" mà thôi.

***“Lời hứa của Đức Chúa Cha”.


Đức Thánh Linh đến, đổ đầy và ban quyền năng, được Chúa Giê su gọi là “Lời hứa của Đức Chúa Cha”.

Lời hứa của Đức Chúa Cha bao giờ cũng tốt lành hơn những gì chúng ta suy tưởng. Đức Chúa Cha biết mục đích, Ngài biết sự cần dùng, Ngài luôn ban cho con cái Ngài điều thích hợp nhất. Qua mọi dẫn chứng của các nhân vật trong Kinh Thánh, chúng ta học được một điều, là các bậc tiền bối luôn đón nhận Lời hứa của Đức Chúa Cha bằng đức tin.

** " Phép Báp têm bằng Đức Thánh Linh"

 Trước khi nhận Đức Thánh Linh, trong giai đoạn nầy, các môn đồ chỉ mới làm phép Báp têm bằng nước của Giăng Báp tít, tức là báp têm để ăn năn tội, chuẩn bị nhận lấy Tin lành Đấng Christ. Khi họ làm phép Báp têm nước nầy, chưa có sự hiện diện của Đức Thánh Linh, Chúa Giê su tuyên bố một phép Báp têm bằng Đức Thánh Linh cho tập thể các môn đồ, họ không cần phải dìm xuống nước lần nữa, nhưng Đức Thánh Linh sẽ đến trên họ và hoàn tất lễ Báp têm mà chúng ta có được ngày nay, dưới sự hiện diện của ba ngôi Đức Chúa Trời.

 

** " Có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?



  Câu hỏi nầy chúng ta nghe nhiều lần trong dân chúng, nhưng ở đây các môn đồ hỏi với một sự hiểu biết khác, họ biết Chúa Giê su không phải đến để làm vua, Ngài sắp về Trời, Ngài không còn ở thế gian, Chúa cũng đã dạy họ về một Giao ước mới khi Ngài ban Bánh và Chén trong bửa tiệc chia tay.

 Thế thì, câu hỏi của họ là câu hỏi liên quan đến công việc của Nước Trời, không phải Nước Thế gian. Họ biết rằng việc khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên là một phần của Giao ước Mới. Chúa Giê su hiểu ý họ, Ngài chỉ trả lời:

 

"Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết."

 

Chúa Giêsu cảnh báo các môn đồ không nên tìm hiểu các khía cạnh về thời điểm của vương quốc Thiên Chúa, bởi vì những điều đó chỉ thuộc về Đức Chúa Cha (mà Chúa Cha đã đặt trong thẩm quyền của Ngài).

 Chúa Giêsu không muốn họ biết kế hoạch của Ngài là một kế hoạch dài đăng đẳng, cho hơn 2.000 năm tới và còn tới nữa, ai mà biết được? Thật tốt cho các môn đồ khi không biết rằng sự khôi phục vương quốc Israel mà họ hy vọng, sẽ không sớm xảy ra trong cả mấy ngàn năm sau. Điều biết đó có thể làm họ nản lòng quá mức trong công việc họ phải làm ngay lúc đó.


    Có những điều biết trước có lợi, và cũng có những điều biết trước không có lợi.

 

 Chúa Giê su nói thêm, nhiệm vụ trước mắt của các ngươi chỉ là chờ nhận lãnh Đức Thánh Linh rồi đi ra làm chứng mà thôi.

 Nhưng công việc làm chứng đó, lại có một phạm vi không bình thường, là cả thế giới, là khắp cùng thế gian, có nghĩa là đến tất cả mọi người, trên mọi miền của trái đất nầy. Từ trong xứ sở Do Thái lan ra cho đến người ngoại.

 

"Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất. "

Có lẽ, trong lúc chia tay bối rối, các môn đồ không dám hỏi gì nữa, nhưng sứ điệp nầy của Chúa Giê su quả thật rất lạ lùng với tất cả bọn họ.

 Sau nầy, chúng ta thấy Lu ca chép lại, ngay chính Phi e rơ còn phải đấu tranh với chính mình trong ý niệm: " Đem Tin lành cho người ngoại !" và Chúa đã cho ông thấy dị tượng, ông phải ăn những con không tinh sạch trước khi được sai đến để làm chứng cho nhà thầy đội Cọt nây.

Tiến trình truyền bá sứ điệp Phúc âm phát xuất từ Giê-ru-sa-lem, đến Giu-đê và Sa-ma-ri, rồi đến tận cùng trái đất trở thành phác thảo căn bản của sách Công vụ các sứ đồ.

 - Công vụ 1-7 mô tả Tin Lành tại Giê-ru-sa-lem.

 - Công vụ 8-12 nói về Tin Lành tại Giu-đê và Sa-ma-ri.

 - Công vụ 13-28 kể về Phúc âm đi đến tận cùng trái đất.

 

Chẳng phải vô tình mà Chúa Giê su đề cập đến ba địa danh nầy:


Giê ru sa lem; Tổng hành dinh của các Thầy Tế lễ, nơi bắt bớ người theo Chúa và là nơi đóng đinh Chúa Giê su.


Xứ Giu đê: Nơi phản đối và từ chối chức vụ Chúa Giê su.


Xứ Sa ma ri: Bị dân Do Thái khinh bỉ, xa lánh, và coi đó là nơi sản sinh những đứa con lai tạp của ngoại bang.


Tận cùng Trái đất: Phạm vi của người ngoại, bị dân Do Thái thời đó coi không gì khác hơn là nhiên liệu cho lửa Địa ngục.

 

 Nhưng, Đức Chúa Trời lại muốn cử nhiều chứng nhân đến những nơi này để nói về Tin lành cho họ được cứu, Đức Thánh Linh sẽ ban quyền năng cho họ để họ thực hiện được những công việc lớn và khó mà sức loài người không thể làm được.



" Làm chứng về Ta"

Chúa Giê su nói lời nầy không phải đưa mệnh lệnh, nhưng Ngài nói đó là một sự kiện.

 Sau khi Đức Thánh Linh giáng xuống, Ngài ban quyền phép và truyền cảm hứng cho các môn đồ, để họ đi ra làm chứng nhân cho Chúa Giê su.

Sách Tiên tri Ê Sai 43: 5-12 nói về người làm chứng rằng:

 

"Đừng sợ, vì ta ở cùng ngươi: ta sẽ khiến dòng dõi ngươi đến từ phương đông, và nhóm họp ngươi từ phương tây. 6 Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất, 7 tức là những kẻ xưng bằng tên ta, ta đã dựng nên họ vì vinh quang ta; ta đã tạo thành và đã làm nên họ. 8 Hãy đem dân nầy ra, là dân có mắt mà đui, và những kẻ có tai mà điếc! 9 Các nước hãy nhóm lại, các dân tộc hãy hiệp lại! Trong vòng họ, ai có thể rao truyền sự nầy, và tỏ cho chúng ta những sự từ trước? Họ hãy dẫn người làm chứng, hầu cho mình được xưng công bình, và cho người ta nghe mà nói rằng: Ấy là thật! 10 Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta, và là đầy tớ ta đã chọn, hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa. 11 Ấy chính ta, chính ta là Đức Giê-hô-va, ngoài ta không có cứu chúa nào khác. 12 Ấy chính ta là Đấng đã rao truyền, đã giải cứu, và đã chỉ bảo, chẳng có thần nào lạ giữa các ngươi. Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi đều là người làm chứng, và ta là Đức Chúa Trời!"

Đức Chúa Trời đã có kế hoạch cứu cả thế gian, không phải chỉ trong dân Do Thái mà thôi, Ngài nói Ngài là Đức Chúa Trời của mọi tạo vật, chứ không phải chỉ là Đức Chúa Trời của Y sơ ra ên. Tình yêu Chúa trải khắp thế gian nên Ngài nói với mọi dân trên đất, Hãy nhìn xem Ngài để được cứu: Ê sai 45: 21&22

 

" Vậy hãy truyền rao; hãy bảo chúng nó đến gần, và nghị luận cùng nhau! Từ đời xưa ai đã rao ra sự nầy? ai đã tỏ ra từ lúc thượng cổ? Há chẳng phải ta, là Đức Giê-hô-va, sao? Ngoài ta chẳng có Đức Chúa Trời nào khác! chẳng có Đức Chúa Trời nào khác là công bình và là Cứu Chúa ngoài ta. 22 Hỡi các ngươi hết thảy ở các nơi đầu cùng đất, hãy nhìn xem ta và được cứu! Vì ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác."

 

Cám ơn Đức Chúa Trời về lời kêu gọi " các nơi đầu cùng đất" của Ngài mà rất nhiều người Việt Nam chúng con cũng được cứu.