Có phải Báp têm là yếu tố cho sự cứu rỗi không?
"Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu" Ê phê sô 2: 8
Bài đọc thêm:
Có phải phép Báp têm là yếu tố cần thiết cho sự cứu rỗi không?
Câu hỏi:
1/ Ai cần làm phép Báp têm?
2/ Có phải nhờ Báp têm, mà tội lỗi mình được tha thứ không?
3/ Tại sao Phi e rơ nói phép Báp têm sẽ cứu bạn trong I Phi e rơ 3: 21?
" Phép báp-tem bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ,"
4/ Phép Báp têm có phải là yếu tố để được cứu không?
Có phải phép Báp têm là yếu tố cần thiết cho sự cứu rỗi không?
Hội thánh xưa và nay đều xem trọng phép Báp têm, cho đó là một thủ tục mà một người khi mới tin nhận Chúa, phải trãi qua, để trở thành một thành viên thực sự trong Hội Thánh.
Thế thì, phép Báp têm có thực sự là một yếu tố trong sự cứu rỗi không?
Đây là một đề tài có tính cách thần học, nếu chúng ta nói có, hay nói không, kết luận đó phải được phù hợp với tất cả những sự dạy dỗ trong kinh thánh, bối cảnh, cũng như ý nghĩa bên trong của nó.
Kinh Thánh không mâu thuẩn, muốn trả lời câu hỏi nầy phải xét từ nhiều khía cạnh, mới nhìn thấy cốt lõi thật sự của nó.
**Người nói có sẽ đưa ra hai câu kinh thánh xác quyết sự cứu rỗi được công nhận qua phép Báp têm:
Trước nhất chúng ta hãy xem I Phi e rơ 3: 18-21
" Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; về phần xác thịt thì Ngài đã chịu chết, nhưng về phần linh hồn thì được sống. 19 Ấy bởi đồng một linh hồn đó, Ngài đi giảng cho các linh hồn bị tù, 20 tức là kẻ bội nghịch thuở trước, về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục chờ đợi, chiếc tàu đóng nên, trong đó có ít người được cứu bởi nước, là chỉ có tám người. 21 Phép báp-tem bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ,"
Có phải Phi e rơ muốn nói phép Báp têm là ảnh tượng của sự kết nối trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giê su, khiến chúng ta được cứu?
Và câu thứ hai cũng của Phi e rơ trong công vụ đoạn 2: 37 & 38:
"Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động, bèn hỏi Phi-e-rơ và các sứ đồ khác rằng: Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi? 38 Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh."
Sứ đồ Phi-e-rơ có ý gì khi nói điều này? Có phải ông đang nói rằng phép báp têm là cần thiết để được ban cho Đức Thánh Linh, tức là được cứu rỗi không? Nếu một người đã tin nhận Chúa, nhưng chưa có cơ hội được làm phép Báp têm thì sao? Người đó có thể được cứu không? Kinh Thánh thực sự dạy gì về điều này?
Nếu chúng ta không làm rõ vấn đề, sẽ nẩy sinh những quan niệm cực đoan: hoặc người ta làm phép Báp têm cho những trẻ sơ sinh trong Hội Thánh (giáo hội Công Giáo), hay có lời tuyên bố rằng các trẻ chưa làm phép Báp têm đều không được cứu.
Có bốn câu hỏi chúng ta cần tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh:
1/ Ai cần làm phép Báp têm?
2/ Có phải nhờ Báp têm, mà tội lỗi mình được tha thứ không?
3/ Tại sao Phi e rơ nói phép Báp têm sẽ cứu bạn trong I Phi e rơ 3: 21?
4/ Phép Báp têm có phải là yếu tố để được cứu không?
*****************
1/ Ai cần làm phép Báp têm?
Điều chắc chắn mà mọi người đều đồng ý là Hội Thánh không làm phép Báp têm cho người không tin Chúa, nhưng Hội Thánh làm Báp têm cho người đã tin nhận Chúa.
Như vậy, không phải phép Báp têm làm cho người ta thành môn đồ của Chúa, nhưng người tin Chúa đã là môn đồ của Chúa. Sách Ma thi ơ 28:19 &20 trong bản tiếng anh:
"Go, therefore, and make disciples of all nations, baptizing them in the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Spirit, teaching them to obey everything I have commanded you"
Chúa Giê su bảo chúng ta làm phép Báp têm cho các môn đồ Ngài. Người tin Chúa đã được Chúa Giê su công nhận họ là môn đồ trước khi họ được làm Báp têm. Như vậy, phép Báp têm không phải là thủ tục cần thiết cho một người ngoại thành môn đồ của Chúa, nhưng là đức tin của họ.
2/Có phải nhờ Báp têm, mà tội lỗi mình được tha thứ không?
Chúng ta hãy đọc lại câu nói của Phi e rơ trong Công vụ 2: 38
" Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh."
Rõ ràng, Phi e rơ bảo người ta phải ăn năn, hối cải rồi mới nhân danh Chúa mà chịu phép Báp têm thì mới được tha tội mình, chứ không phải chỉ làm phép Báp têm mà được cứu. Phi e rơ chắc chắn đã không làm Báp têm cho người nào không hối cải ăn năn.
Lại thêm một lần nữa, chúng ta thấy, sự tha thứ tội và sự cứu rỗi được Chúa tra xét trong tấm lòng, chứ không phải thủ tục.
3/ Tại sao Phi e rơ nói phép Báp têm sẽ cứu bạn trong I Phi e rơ 3: 21?
" Phép báp-tem bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ,"
Khi đọc đoạn văn trên, chúng ta nhận ra rằng Phi-e-rơ không nói về phép báp têm như một công việc cứu rỗi, mà đúng hơn là tình trạng của tấm lòng thuộc về một người được cứu.
Một người ăn năn, một người có niềm tin, người ấy chịu làm Báp têm để biểu hiện tấm lòng mình muốn đồng chết với Chúa con người cũ, rồi được sống lại trong con người mới, với một lương tâm mới, có thể tương giao với Đức Chúa Trời, cũng nhờ sự tương giao đó mà người ấy được gắn kết với Chúa qua Đức Thánh Linh.
Phi-e-rơ đang nói rằng phép báp têm gắn liền với việc “kêu gọi” của Đức Chúa Trời, cho một lương tâm trong sạch để được tha tội, một lần nữa, phép Báp têm là một ảnh tượng của một tâm linh đầu phục Chúa, chứ không phải nhờ dìm trong nước mà nhận được Thánh Linh.
4/ Phép Báp têm có phải là yếu tố để được cứu không?
Chúng ta nhắc lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giê su và Ni cô đem trong Giăng 3: 5 &6
" Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. 6 Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần."
Nước mà Chúa Giê su nói với Ni cô đem ở đây là ảnh tượng của một lương tâm mới được sinh ra từ Chúa Giê su. Là sự thanh tẩy như trong Ê xê chiên 36: 25 -27
"Ta sẽ rưới nước trong trên các ngươi, và các ngươi sẽ trở nên sạch; ta sẽ làm sạch hết mọi sự ô uế và mọi thần tượng của các ngươi. 26 Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ cất lòng bằng đá khỏi thịt các ngươi, và ban cho các ngươi lòng bằng thịt. 27 Ta sẽ đặt Thần ta trong các ngươi, và khiến các ngươi noi theo luật lệ ta, thì các ngươi sẽ giữ mạng lịnh ta và làm theo."
Sau khi nghiên cứu những câu kinh thánh có mấu chốt liên quan đến sự cứu rỗi, chúng ta nhận thấy tấm lòng mới là yếu tố bên trong mà Đức Chúa Trời cân nhắc, để nhận được sự cứu rỗi như lời hứa.Phép Báp têm chỉ là biểu hiện bên ngoài.
Thế thì, biểu hiện bên ngoài nầy có quan trọng không? Có
**Phép Báp têm thể hiện đức tin: Rô ma 10: 8-10
" Nhưng nói làm sao? Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng và trong lòng ngươi. Ấy là đạo đức tin mà chúng ta giảng dạy. 9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; 10 vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi."
Sự xưng nhận bề ngoài đó đã được Chúa Giê su làm gương trong phép Báp têm của mình. Giăng Báp tít không dám làm phép Báp têm cho Chúa Giê su, vì Chúa Giê su không có tội như chúng ta, nhưng Ngài bảo Giăng cứ làm, vì " nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy," trong Ma thi ơ 3: 13-17
"Khi ấy, Đức Chúa Jêsus từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại sông Giô-đanh, đặng chịu người làm phép báp-tem. 14 Song Giăng từ chối mà rằng: Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao! Đức Chúa Jêsus đáp rằng: 15 Bây giờ cứ làm đi, vì chúng ta nên làm cho trọn mọi việc công bình như vậy. Giăng bèn vâng lời Ngài. 16 Vừa khi chịu phép báp-tem rồi, Đức Chúa Jêsus ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bò câu, đậu trên Ngài. 17 Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi
đàng"
Đối với các Hội Thánh ban đầu, thời kỳ đó, người xưng nhận Chúa Giê su bị thử thách rất lớn, việc công khai xưng nhận và làm phép Báp têm quả thật là một sự đánh đổi, một quyết định rất mạnh mẽ để phơi bày đức tin của mình với Chúa, và cũng là vâng lời Chúa Giê su làm trọn những gì Chúa cho là hành động của sự công bình.
Chúa không muốn người tin Chúa giấu nhẹm việc mình quyết định theo Chúa, họ phải không hổ thẹn, họ phải lấy chính mình ra làm chứng cho Chúa rằng: " Tôi đây tin nhận Chúa"
Sự biểu hiện công khai của đức tin xem ra cũng quan trọng trước mặt Chúa Giê su khi Ngài tuyên bố trong Ma thi ở 10: 32 &33:
"Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; 33 còn ai chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời."
Những ai tin cậy Chúa Giêsu, phải làm Phép Báp têm mà không xấu hổ. Phép Báp têm là dấu hiệu mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta phải chịu, để chứng tỏ rằng chúng ta không xấu hổ về Người.
Chúa Giê su nói với Ni cô đem, có hai yếu tố để được cứu là Nước và Đức Thánh Linh. Ngài không nói Ni cô đem phải được " dìm trong nước" nhưng là " sanh lại từ trong nước" đó là ý của Phi e rơ đề cập đến một lương tâm mới tương thông với Đức Chúa Trời qua ảnh tượng Phép Báp têm.
Chúa Giê su cũng kết nối Nước và Đức Thánh Linh để cho chúng ta thấy một hình ảnh, sinh lại từ trong ý nghĩa của Phép Báp têm, và nhận Đức Thánh Linh, là một ảnh tượng của sự sinh ra duy nhất và mới mẻ.
Phép Báp têm tự nó theo nghĩa đen, không đem đến sự cứu rỗi, vì đó là việc làm, không phải ân điển.
Nhưng sự cứu rỗi được định nghĩa là hoàn toàn nhờ ân điển chứ không phải việc làm. Theo Ê phê sô 2: 8 &9
"Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. 9 Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình;"
Rô ma 6: 23 cũng nói thêm:
" Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta."
Chúng ta không có dự phần gì trong việc cứu rỗi, ơn đó được ban cho miễn phí. Nhưng có phải vì thế mà người có đức tin nơi sự cứu rỗi của Chúa Giê-su, có thể bỏ qua mệnh lệnh chịu phép báp têm không? Không phải.
Nếu chúng ta Tin Chúa Giê-su và được cứu thì nên vâng lời Ngài. Đó là cách thể hiện rằng chúng ta tin Ngài. Và tỏ ra chúng ta yêu Ngài.
Chúa Giê-su nói trong Giăng 14:5 , “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ các điều răn của ta”.
Đó là cách hiểu đúng đắn về Phép Báp têm, để bày tỏ niềm tin, chứ không phải là điều mình phải làm để được cứu.