Bài 6: BẢY NĂM ĐẠI PHƯỚC

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

Khải Huyền 4 &5


Bài 6: BẢY NĂM ĐẠI PHƯỚC

NGAI XÉT XỬ hay TÒA ĐỊNH CÔNG TƯỞNG THƯỞNG

     TIỆC CƯỚI CHIÊN CON

           LỄ THỜ PHƯỢNG TRÊN TRỜI

                SỰ KIỆN CHIÊN CON TIẾP NHẬN SÁCH

 

Sự kiện chính thứ hai sẽ xảy đến tiếp theo trong tương lai cho Hội Thánh sau khi được cất lên trời là Bảy Năm Đại Phước (The Seven Years Of Blessings).

 

   **Trong Bảy Năm Đại Phước, Hội Thánh sẽ tham dự vào những sự kiện nào trên trời?

Trong Bảy Năm Đại Phước ở trên trời Hội Thánh sẽ tham dự vào những sự kiện sau đây:

 

(1).Ngôi Đoán Xét Của Đấng Christ (The Judgment Seat of Christ hay Tòa Bình Công Báo Thưởng-The Bema) được thiết lập để xem xét và ban phần thưởng cho các Thánh đồ.

(2).Sau đó là “Tiệc Cưới Chiên Con” (The Marriage Supper of the Lamb) sẽ được tổ chức. “Tiệc Cưới Chiên Con” là Lễ Cưới của Đấng Christ cưới Hội Thánh Ngài.

(3).Thánh lễ Thờ phượng trên trời, như đã được mô tả trong Sách Khải huyền đoạn 4.

(4).Hội Thánh được chứng kiến việc Chiên Con tiếp nhận Quyển Sách có đóng bảy ấn ở tay hữu Đấng ngự trên ngôi. (Khải-huyền 5:7), như được mô tả trong Sách Khải huyền đoạn 5.

 

                      *NGAI XÉT XỬ hay TÒA ĐỊNH CÔNG TƯỞNG THƯỞNG

 

   ***“Ngai Xét Xử” (The Judgement Seat of Christ?) là gì?

Ngai Xét Xử, như sẽ được giải thích sau nầy, được lập lên để xem xét công lao của tín đồ đã được cất lên trời để xác định phần thưởng. Những tín đồ nầy sau đó được tham dự vào Tiệc Cưới Chiên Con, sẽ ở với Ngài mãi mãi, và sau nầy cùng Ngài đồng trị, nên sẽ không có bất kỳ một sự đoán phạt nào ở đây hết [Giăng 5:24; Rô-ma 8:1]. Vì đây là một phiên tòa để thẩm định công lao và giải thưởng, nên phiên tòa nầy có thể được gọi là “Tòa Định Công Tưởng Thưởng”.
Ngai Xét Xử trong nguyên văn Kinh thánh là κριτήριον (kritérion-tòa án), được sử dụng ba lần trong Kinh Thánh Tân Ước, chẳng hạn như:

“Mà anh em lại khinh dể kẻ nghèo! Há chẳng phải kẻ giàu đã hà hiếp anh em, kéo anh em đến trước tòa án sao?” [Gia-cơ 2:6]

Trong nguyên văn cũng còn có một chữ khác nữa là chữ βῆμα (béma -ghế chánh án, tòa án). Chữ nầy được xử dụng rất nhiều lần, chẳng hạn như:

“Phê-tu ở Giê-ru-sa-lem độ mười ngày rồi trở về Sê-sa-rê. Hôm sau, tổng trấn ra ngồi ghế chánh án và truyền lệnh giải Phao-lô ra tòa.” [Công-vụ các Sứ-đồ 25:6 KTHĐ].
Cho nên Ngai Xét Xử của Đức Chúa Jesus Christ, có tên Thần học là Bema bên tiếng Anh. (The Judgement Seat of Christ hay là The Bema of Christ).

“Vì Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.” [Ma-thi-ơ 16:27]

“Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.” [2 Cô-rinh-tô 5:10]

“Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” [Khải-huyền 22:12];

Vì “Ngai Xét Xử” để ban phần thưởng cho các Thánh đồ tùy theo công trạng của họ trên đất, nên có thể được gọi là “Tòa Bình Công Tưởng Thưởng” hay “Tòa Định Công Tưởng Thưởng“*.

*“Tòa Bình Công Tưởng Thưởng”: Người biên tập xin phép được đặt cho Ngai Xét Xử tên mới nầy vì cảm thấy nó lột tả được tính chất của ngai. Chưa ai công nhận tên mới nầy.


   ***Ngai Xét Xử được lập nên trong khoảng thời gian nào?

(1). Thời gian thiết lập “Ngai Xét Xử” là sau khi Hội Thánh được cất lên và trước khi Đức Chúa Jesus Christ giáng lâm xuống mặt đất để hủy diệt đại binh của AntiChrist, giải cứu Dân Do thái và lập “Nước Thiên Hy Niên”.

Nói rõ hơn, trong khoảng thời gian từ biến cố cất Hội Thánh lên cho đến khi Chúa trở lại trần gian để lập Nước Thiên Hy Niên, giữa khoảng thời gian dưới đất xảy ra Cơn Đại Nạn.

 

   ***Tại sao chúng ta tin rằng Ngai Xét Xử được lập nên trong khoảng thời gian ấy?

Dầu Kinh Thánh không khải thị rõ ràng về thời gian lập Ngai Xét Xử, song chúng ta có thể tin rằng Ngai Xét Xử được lập lên sớm nhất, sau khi Đức Chúa Jesus Christ cất Hội Thánh lên, vì hai lý do sau đây:

(1). Đó là thứ tự hợp lý: Phần lớn các nhà Thần học tin rằng Đức Chúa Jesus Christ sẽ lập Ngai Xét Xử để thưởng cho các Thánh đồ trước khi tổ chức “Lễ Cưới Chiên Con”.

(2). Hai mươi bốn Vị Trưởng lão đã đội mão triều thiên bằng vàng: Trong Lễ Thờ Phượng trên trời được nhắc đến trong Khải Huyền đoạn 4, ngay khi Hội Thánh vừa được cất lên (Rapture), chúng ta thấy hai mươi bốn Vị Trưởng lão đã có đội mão triều thiên bằng vàng:

“Kế đó, tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến. Tức thì tôi bị Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó. Đấng ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và mã não; có cái mống dáng như lục bửu thạch bao chung quanh ngôi. Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng.” [Khải Huyền 4:1-4].

Hai mươi bốn Vị Trưởng lão nầy là Đại diện của Hội Thánh Tân Ước. Theo như Kinh Thánh ghi nhận trên đây, các vị nầy đều “mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng”. Những mão triều thiên vàng nầy chắc chắn phải là những mão triều thiên mà các Vị ấy đã nhận được ở “Ngai Xét Xử” (hay Tòa Bình Công Tưởng Thưởng) như sẽ được nói đến vào phần sau của bài nầy.

 

   ***Ngai Xét Xử hay “Tòa Định Công Tưởng Thưởng” có những đặc điểm gì?

Có một số sự kiện, đặc điểm liên quan đến kỳ đoán xét nầy:

(1). Đoán xét Tín đồ: Thành phần được xét ở đây chính là tín đồ. Chỉ những kẻ chết trong Đấng Christ mới sống lại trong khi Hội Thánh được cất lên. Vậy, kỳ đoán xét nầy dành cho những người đã được cứu, và được cất lên.

(2). Không bị đoán xét về tội lỗi, nhưng chỉ xem xét thành tích để ban phần thưởng: Vô luận là đức tin mạnh hay yếu, bất cứ ai, hễ đã tin nhận Đức Chúa Jesus Christ một cách thành tâm thì cũng đều trở nên con cái Đức Chúa Trời, được cứu và được tha thứ mọi tội lỗi, và được cất lên. Kinh Thánh chép:

“Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,” [Giăng 1:12]

“Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” [1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:17]

“Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi, vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời.” [Giăng 3:18]

“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ;”* [Rô-ma 8:1]

*Dầu cho có hiểu chữ “đoán phạt” ở đây là “trở ngại” đi nữa, thì người mà không còn bị trở ngại bởi xác thịt bất tuân, thì cũng đã là người được cứu rồi và tha thứ rồi.

“Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” [Giăng 5:24]

“Vì nhờ dâng chỉ một của tế lễ, Ngài làm cho những kẻ nên thánh được trọn vẹn đời đời.” [Hê-bơ-rơ 10:14]

“Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm.” [Khải-huyền 20:6]

(3). Các phần thưởng sẽ không bằng nhau: Đức Chúa Jesus phán:

“Vì Con người sẽ ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ, lúc đó, Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm.” [Ma-thi-ơ 16:27]

Nếu phần thưởng là “tùy việc họ làm” thì chắc chắn là các phần thưởng không thể bằng nhau.

(4). Thậm chí có sự cảnh cáo về sự “mất phần thưởng”, vì chỉ được cứu “dường như qua lửa”:

“Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”

“Ta đến mau kíp; hãy giữ lấy điều ngươi có, hầu cho không ai cất lấy mão triều thiên của ngươi.” [Khải-huyền 3:11]

 

   ***Phần thưởng chính yếu là mão triều thiên. Vậy, sẽ có những loại mão triều thiên nào?

Trên trời con người không còn những nhu cầu mà những loại phần thưởng của người ở dưới trần gian nầy có thể đáp ứng. Vậy, theo Kinh Thánh thì qua cuộc thẩm định công trạng công khai của cuộc xét xử, Đức Chúa Jesus Christ sẽ ban cho những loại* phần thưởng tương xứng với sự sống và sự hầu việc Đức Chúa Trời khi còn ở trên đất như sau đây:

(1). Mão triều thiên của sự sống. Kinh Thánh chép: “Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.” [Gia-cơ 1:12],

(2). “Mão triều thiên không hay hư nát”. Kinh Thánh chép: “Hết thảy những người đua tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát.” [1 Cô-rinh-tô 9:25],

(3). “Mão triều thiên của sự công bình”. Kinh Thánh chép: “Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài.” [2 Ti-mô-thê 4:8],

(4). Mão triều thiên vinh hiển. Kinh Thánh chép: “Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.” [1 Phi-e-rơ 5:4].

*Mão triều thiên đắc thắng: Một vài nhà Thần học căn cứ vào Kinh Thánh Phi líp 4:1: “Vậy thưa anh chị em yêu dấu của tôi, những người tôi thương nhớ, là niềm vui và mão miện đắc thắng của tôi, hãy đứng vững trong Chúa, hỡi anh chị em yêu quý.” (Bd 2011) và Kinh Thánh 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19: “Vì sự trông cậy, vui mừng và mão triều thiên vinh hiển của chúng tôi là gì, há chằng phải là anh em cũng được đứng trước mặt Đức Chúa Jêsus chúng ta trong khi Ngài đến sao?” mà thêm vào hoặc “mão triều thiên đắc thắng” hoặc là “mão triều thiên vui mừng” vì cả hai đều dùng chữ στέφανος (stephanos) có nghĩa là “mão triều thiên” hay “vòng nguyệt quế”, “mão hoa” (a crown, garland, wreath, honor, glory) mà người Hy-lạp và La-mã thường trao cho các lực sĩ đoạt giải thể thao và những người thắng trận trở về sau chiến tranh, nhưng ở đây có lẽ nói đến sự vinh hiển, tôn trọng, hãnh diện hơn là một “loại mão triều thiên” cụ thể bằng vàng ròng đội trên đầu được trao cho tại Tòa Bình Công Tưởng Thưởng.

 

   ***Phần thưởng trên trời quan trọng như thế nào?

Một số Cơ-đốc nhân thường nói rằng họ hầu việc Chúa là vì lòng yêu mến Chúa chớ không phải vì cần phần thưởng. Cũng có một số tín đồ nói rằng dâng (nộp) phần mười phải chỉ vì lòng yêu mến Chúa thì mới có giá trị. Dâng (nộp) phần mười mà mong được phước là tham lam, xác thịt, và đã làm thương mãi chớ không phải là hầu việc Chúa.

Nhưng Đức Chúa Trời lại có một cái nhìn khác: Người nào thật yêu mến Ngài thì cũng quý trọng phần thưởng và ơn phước của Ngài. Trong Kinh Thánh Cựu ước Đức Giê-hô-va đã rất nhiều lần hứa hẹn với Áp-ra-ham và các Thánh về Phước và Phần thưởng. Trong Kinh Thánh Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ trong các bài giảng của mình đã mấy mươi lần Ngài đề cập đến Phước và Phần thưởng của Đức Chúa Trời. Còn đối với các Thánh đồ trong Kinh Thánh như Phao-lô, Gia-cơ, Phi-e-rơ… thì Phước và Phần thưởng của Đức Chúa Trời là những gì họ luôn luôn sốt sắng mong đợi*. Martin Luther đã từng phát biểu một câu rất hay về ngày sẽ nhận phần thưởng: “Trong quyển lịch của tôi chỉ có hai ngày: Ngày Hôm nay và Ngày Hôm đó”*.

*Kinh Thánh, từ đoạn đầu tiên (Sáng Thế Ký 1), cho đến đoạn cuối cùng (Khải Huyền 22), có hơn 450 lần nói đến “Phước”, và hơn 25 lần nói đến “Phần thưởng”!!!

*Cũng cần nên nhớ rằng “Phước” và “Phần thưởng” đều là sáng kiến của Đức Chúa Trời, và rằng “Được Phước Để Trở Thành Nguồn Phước” là nội dung của của sự kêu gọi và cũng là sứ mạng vĩnh viễn của Đức Chúa Trời dành cho Áp-ra-ham và dòng dõi người, dòng dõi theo huyết thống, cũng như dòng dõi thuộc linh.

*“There are only two days on my calendar: Today and that Day”.

 

                    TIỆC CƯỚI CHIÊN CON

 

   ***Kinh Thánh dạy gì về “Tiệc Cưới Chiên Con” (The Marriage Supper of the Lamb)?

Biến cố chính thứ ba sẽ xảy đến trong tương lai là “Tiệc Cưới Chiên Con” (The Marriage Supper of the Lamb) sẽ được cử hành tại trên trời, mà Chàng Rể là Đức Chúa Jesus Christ và Nàng Dâu là Hội Thánh của Ngài. Tiệc Cưới Chiên Con là thời điểm khởi đầu của sự kết hợp đời đời giữa Đức Chúa Jesus Christ với mỗi Cơ-đốc nhân trong Hội Thánh của Ngài.

. Mục đích: Mục đích của Tiệc cưới Chiên Con là để chúng ta mỗi người sẽ được kết hiệp với Đức Chúa Jesus Christ trong một mức độ sâu xa nhất của Tình yêu và Thông công. Điều nầy sẽ làm cho Ngài thỏa vui, còn chúng ta cũng sẽ đạt được sự hạnh phúc, thỏa mãn trọn vẹn.

Thời gian: Thời gian xảy ra Lễ Cưới Chiên Con chắc chắn xảy ra không lâu sau Sự Ban Thưởng cho các Thánh đồ, nghĩa là trong khoảng thời gian giữa Sự Cất lên (Rapture) và Sự tái lâm của Đức Chúa Jesus Christ (The Second Coming of Christ), đang khi ở dưới đất trải qua thời kỳ Bảy năm Đại nạn. Lễ Cưới Chiên Con là thời điểm đặc biệt khi mà sự kết hợp thánh khiết và đời đời giữa những người được cứu với Cứu Chúa bắt đầu trở thành trọn vẹn.

Bản chất: Tất nhiên một sự kết hợp với Chàng Rễ là Đấng Công bình và Thánh khiết tuyệt đối chỉ có thể xảy ra khi Cô Dâu cũng cũng Công bình và Thánh khiết tuyệt đối như vậy. Mà làm sao Cô Dâu có được những sự tuyệt đối đó? Kinh Thánh cho biết để có được sự Công bình và Thánh khiết ở mức độ tuyệt đối như Đấng vốn là Chí Công và Chí Thánh thì cần phải có hai điều kiện: (1) Một là chỉ có Sự chết Chuộc tội của Đức Chúa Jesus mới đem lại sự công bình tuyệt đối cho Nàng Dâu được, tức là cho Nàng Dâu “được xưng công bình về mọi điều theo luật pháp Môi-se chẳng có thể được xưng công bình” [Công-vụ các Sứ-đồ 13:39]* và (2) hai là nhờ đến Huyết Chiên Con bởi vì “Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jêsus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh.” [Hê-bơ-rơ 13:12].

*Không có bất kỳ một công việc nào của loài người làm ra mà có được sự công bình tuyệt đối, trừ ra làm ra trong đức tin vào nơi Đức Chúa Jesus [Giăng 6:28-29].

 

                           LỄ THỜ PHƯỢNG TRÊN TRỜI

 

   ***Kinh Thánh tiết lộ gì về “Lễ Thờ Phượng Trên Trời”?

Kinh Thánh chép về Lễ Thờ Phượng nầy như sau:
“Kế đó, tôi nhìn xem, nầy, một cái cửa mở ra trên trời; và tiếng thứ nhất mà tôi đã nghe nói với tôi, vang rầm như tiếng loa, phán cùng tôi rằng: Hãy lên đây, ta sẽ cho ngươi thấy điều sau nầy phải xảy đến. Tức thì tôi bị Thánh Linh cảm hóa; thấy một ngôi đặt tại trên trời, trên ngôi có một Đấng đang ngồi đó. Đấng ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và mã não; có cái mống dáng như lục bửu thạch bao chung quanh ngôi. Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng. Từ ngôi ra những chớp nhoáng, những tiếng cùng sấm; và bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi: đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời. Trước ngôi có như biển trong ngần giống thủy tinh, còn chính giữa và chung quanh có bốn con sanh vật, đằng trước đằng sau chỗ nào cũng có mắt. Con sanh vật thứ nhất giống như sư tử, con thứ nhì như bò đực, con thứ ba mặt như mặt người, con thứ tư như chim phụng hoàng đang bay. Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt; ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến! Khi các sanh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” [Khải Huyền 4:1-11]

 

   ***Tham dự một Lễ Thờ Phượng Trên Trời, các Thánh đồ sẽ học được những bài học gì?

Tham dự Lễ Thờ Phượng Trên Trời, các Thánh đồ sẽ học được ít nhất bảy bài học như sau:

(1). Sự vinh hiển và oai nghi của Đức Chúa Trời:

“Đấng ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và mã não… Từ ngôi ra những chớp nhoáng, những tiếng cùng sấm; và bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi: đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời. Trước ngôi có như biển trong ngần giống thủy tinh, còn chính giữa và chung quanh có bốn con sanh vật, đằng trước đằng sau chỗ nào cũng có mắt. Con sanh vật thứ nhất giống như sư tử, con thứ nhì như bò đực, con thứ ba mặt như mặt người, con thứ tư như chim phụng hoàng đang bay. Bốn con sanh vật ấy mỗi con có sáu cánh, chung quanh mình và trong mình đều có mắt; ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến!” [Khải-huyền 4:3-8]

(2). Ân điển toàn diện phủ lút, bao trùm mọi mặt trong giao ước của Đức Chúa Trời:
“Có cái mống dáng như lục bửu thạch bao chung quanh ngôi.” [Khải-huyền 4:3b]

(3). Bản chất vô sở bất tại, vô sở bất tri, đời đời,.. thuộc tánh chí thánh, toàn năng của Đức Chúa Trời:
“Trước ngôi có như biển trong ngần giống thủy tinh, … Bốn con sanh vật…ngày đêm lúc nào cũng nói luôn không dứt: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Chúa, là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, Trước Đã Có, Nay Hiện Có, Sau Còn Đến!” [Khải-huyền 4:6-8]

(4). Sự cầm quyền cai trị của Đức Chúa Trời: Quyền năng, quang minh, luật pháp và trật tự:
“Từ ngôi ra những chớp nhoáng, những tiếng cùng sấm; và bảy ngọn đèn sáng rực thắp trước ngôi: đó là bảy vì thần của Đức Chúa Trời.” [Khải-huyền 4:5]

(5). Sự tôn trọng và vinh hiển của Hội Thánh trên trời:
“Chung quanh ngôi lại có hai mươi bốn ngôi; trên những ngôi ấy tôi thấy hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mặc áo trắng và đầu đội mão triều thiên vàng.” [Khải-huyền 4:4]

(6). Mục đích của sự hiện hữu của vũ trụ:
“Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” [Khải-huyền 4:11]

(7). Sự thờ phượng thật:
Quăng bỏ mọi vinh quang riêng, để dâng vinh quang, tôn quý, cảm tạ cùng mọi sự mình có lên cho Đức Chúa Trời: “Khi các sanh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quí, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời, thì hai mươi bốn trưởng lão sấp mình xuống trước mặt Đấng ngự trên ngôi, và thờ lạy Đấng hằng sống đời đời; rồi quăng mão triều thiên mình trước ngôi mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.” [Khải Huyền 4:9-11]

 

             SỰ KIỆN CHIÊN CON TIẾP NHẬN SÁCH

   ***Sự kiện Chiên Con tiếp nhận Sách diễn ra thế nào?

 

Sự kiện thứ tư trong Bảy Năm Đại Phước là Hội Thánh sẽ được chứng kiến việc Chiên Con tiếp nhận Quyển Sách có đóng bảy ấn ở tay hữu Đấng ngự trên ngôi, như được mô tả trong Sách Khải huyền đoạn 5, sau đây:

“Rồi tôi thấy trong tay hữu Đấng ngồi trên ngôi một quyển sách viết cả trong lẫn ngoài, có đóng bảy cái ấn. Tôi cũng thấy một vị thiên sứ mạnh mẽ cất tiếng lớn kêu rằng: Ai đáng mở quyển sách nầy và tháo những ấn nầy? Dầu trên trời, dưới đất, bên dưới đất, không ai có thể mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa. Vì không có ai đáng mở quyển sách ấy hoặc nhìn xem nó nữa, nên tôi khóc dầm dề. Bấy giờ, một người trong các trưởng lão nói với tôi rằng: Chớ khóc, kìa, sư tử của chi phái Giu-đa, tức là Chồi của vua Đa-vít, đã thắng, thì có thể mở quyển sách ấy và tháo bảy cái ấn ra. Tôi lại thấy chính giữa ngôi và bốn con sanh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con ở đó như đã bị giết; Chiên Con có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vì thần của Đức Chúa Trời sai xuống khắp thế gian. Chiên Con bước tới, lấy sách ở tay hữu đấng ngự trên ngôi. Khi lấy sách, bốn con sanh vật và hai mươi bốn trưởng lão bèn sấp mình xuống trước mặt Chiên Con,…Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Đức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước, và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất. [Khải huyền 5:1-10].

 

What's New with My Subject?

If I didn't include a news section about my site's topic on my home page, then I could include it here.