Giăng 15 " Ta đă chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả "

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là v́ bạn hữu mà phó sự sống ḿnh." Giăng 15: 13

Giăng 15 " Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả "

 

Đọc Giăng 15: 12- 27

 

Câu hỏi:

 

1/ Tình yêu ở mức độ cao nhất là tình yêu nào?

Chúa Giê su có thực hiện được tình yêu đó không?

 

2/ Khi đặt ra tiêu chuẩn một tình yêu như vậy, Chúa có đòi hỏi quá mức con người không?

Các môn đồ dã thực hiện được không?

 

3/ Ai được xem là bạn hữu của Chúa? Người nào trong cựu ước được xem là bạn hữu Đức Chúa Trời?

Chúa sẽ làm gì với bạn Ngài?

 

4/ Nếu được xem là bạn Chúa, bạn có cảm giác gì?
Kinh Thánh tiết lộ điều nầy, có khiến bạn ao ước được nó không?

 

5/ Tại sao thế gian luôn ghét người theo Chúa, dù họ không làm gì tổn hại người chung quanh?
Thế gian có bị lên án vì thái độ đó không? Khi nào?



6/ Hai câu 26 & 27 sau cùng nói có hai bên sẽ làm chứng về Chúa Giê su là ai?
Tại sao phải cần Đức Thánh Linh trong công tác nầy? 

 

             " Ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả "

 

** " Nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta." câu 12-15

 

"Điều răn của ta đây nầy: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi. 13 Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình. 14 Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta. "



  Chúa Giê su nhắc lại một lần nữa về tình yêu, sau khi mọi người đã đứng dậy để ra khỏi bàn tiệc, Ngài nhấn mạnh đến tình yêu thương lẫn nhau, như một yếu tố quan trọng, để các môn đồ có thể đứng vững trong giai đoạn đầy thử thách.

 

  Chúa Giêsu thực sự quan tâm đến việc các môn đồ của Ngài phải biết yêu thương nhau, theo tiêu chuẩn tình yêu của Ngài dành cho họ.

  Trong Giăng 13:34 Chúa Giê su nói:

 

"Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy."

 

   Bây giờ Ngài nói rõ hơn về mức độ:

  " Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình"



Một tiêu chuẩn quá lớn để có thể hy sinh mạng sống vì hai chữ " Bạn hữu". Chúa Giê su đang dùng chính Ngài làm chuẩn mực để các môn đồ noi theo Ngài cũng sắp dùng chính sự sống mình để cứu lấy " Bạn hữu".

 

  Tình yêu của Chúa Giê su trọn vẹn và cao cả, vượt xa mọi thứ tình yêu khác. Sau nầy, người theo Chúa đích thật ,cũng phải lấy tiêu chuẩn lớn nhất của Chúa Giê su làm thước đo cho tình yêu mình dành cho " Bạn hữu".

 

  Hai từ " Bạn hữu" không giới hạn trong mười một môn đồ, nhưng là tất cả những người Tin và làm theo lời Chúa dạy. Áp ra ham là người đầu tiên được Kinh Thánh gọi là " Bạn hữu của Đức Chúa Trời" II Sử Ký 20:7

 

"Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi! Ngài há chẳng phải đã đuổi dân ở xứ này khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, mà ban xứ ấy cho dòng dõi Áp-ra-ham, là bạn hữu Chúa, làm sản nghiệp đời đời sao?"


   Và vì là bạn hữu, Áp ra ham được Chúa cho biết những điều Ngài sẽ đoán phạt Sô đôm và Gô mô rơ, Sáng 18:17

 

"Đức Giê-hô-va phán rằng: Lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều chi ta sẽ làm sao?"

 

Đa vít cũng biết được điều nầy, ông nói trong Thi Thiên 25: 14

 

" Đức Giê-hô-va kết bạn thiết cùng người kính sợ Ngài, Tỏ cho người ấy biết giao ước của Ngài."

 

Chúa Giê su ở đây cũng nói y hệt như vậy trong câu 14 &15

 

"Ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta. 15 Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta."

 

  Ngày nay, người nào theo Chúa, thật sự tìm kiếm, quý trọng lời Chúa, học và làm theo, cũng sẽ được Chúa gọi là bạn hữu.

 Người đó sẽ được Chúa bày tỏ mọi sự mà Ngài sẽ làm.Tất cả quá khứ, vị lai là lời Ngài, đều có nằm trong Kinh Thánh - Đức Thánh Linh sẽ dẫn giải cho người hiểu những sự mầu nhiệm, luôn cả những điều mà Đức Chúa Trời sẽ làm trên thế giới và trên con người.

 Đức Chúa Trời muốn con người hiểu và biết mọi hành động Chúa làm, để được cảnh giác, được biết sự đoán xét của Chúa là công bình.

 

   Dường như Đức Chúa Trời có sự thiên vị đối với con người, là một vật thọ tạo, chỉ có con người mới được làm nên giống ảnh tượng của Ngài, được chính Ngài hà hơi trên nó để ban sự sống, nó còn được Chúa xây dựng một khu vườn tuyệt đẹp để con người ở gần bên Chúa, và còn cho con người quyền tể trị trên mọi vật - Chúa không dùng con người như đã dùng các thiên sứ.

 

  Thật sự, Chúa đã ban cho cho con người một địa vị rất đặt biệt là bạn, là con trai, con gái. Ngài luôn ví Ngài là một người Cha - Ngài không coi con người là tôi mọi. Mối tương giao thân mật giữa Thiên Chúa và con người đã bị huỷ hoại vì tội lỗi. Con người dần dần xa lìa Chúa. Bây giờ Chúa Giê su sẽ nối lại nhịp cầu, Ngài sẽ vì " Bạn hữu" mà hy sinh chính mình để " Bạn hữu" được sống. Sách Giăng 10: 17 &18 chép Chúa Giê su tình nguyện chết thế con người.

"Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại. 18 Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta."

 

"Ban hữu" nên hiểu cách rộng rãi, là tất cả người theo, làm theo, và yêu Chúa. Trong mười một môn đồ, chỉ trừ ra ông Giăng là người được chết cách bình thường, sau khi viết các sách Giăng và Khải huyền. Nhưng những người còn lại đều đã tử đạo, tử vì rao truyền Phúc âm, cũng tử vì " Bạn hữu" là những người theo đạo Chúa thời đó. Tình yêu của họ cũng được Chúa cho là lớn nhất theo như tiêu chuẩn của Ngài.

 

**"Bèn là ta đã chọn và lập các ngươi" câu 16

 

"Ấy chẳng phải các ngươi đã chọn ta, bèn là ta đã chọn và lập các ngươi, để các ngươi đi và kết quả, hầu cho trái các ngươi thường đậu luôn: lại cũng cho mọi điều các ngươi sẽ nhân danh ta cầu xin Cha, thì Ngài ban cho các ngươi."

 

  Chúa Giê su vừa nói về những đặc ân lớn lao dành cho các môn đồ: Được làm bạn với Ngài, được đáp lời cầu nguyện, được kết quả trong công việc Chúa, sinh ra nhiều bông trái, biết được những điều từ Chúa Cha.

Các môn đồ nên trân trọng những điều đó một cách đúng đắn, mà không trở nên kiêu ngạo như thể họ là người có khả năng làm được do mình.

Tất cả đặc ân đều bắt nguồn từ việc Chúa Giê su đã chọn môn đồ cho công tác của Ngài, chứ không phải họ đã chọn Ngài. Những người Tín hữu khiêm nhường sẽ nói rằng "Chúng ta ở trong Đấng Christ, không phải vì chúng ta nắm giữ Ngài, nhưng vì Ngài nắm giữ chúng ta.”

 

  Ngoài đời, cũng có thể có những học sinh tìm kiếm thầy và lựa chọn thầy, nhưng các môn đồ của Chúa Giêsu không chủ động, ngược lại chính Ngài đã chọn họ. Việc chọn lựa và kêu gọi các môn đồ được chép trong sách Ma thi ơ đoạn 4Mác đoạn 1-


  Việc chọn lựa các môn đồ không chỉ để họ có cảm giác hân hoan khi biết mình được chọn, nhưng để họ tiếp nối việc cứu người, tiếp tục công tác của Chúa Giê su đang làm. Họ có nhiệm vụ phải ra đi có kết quả, sinh bông trái để Chúa được tôn vinh.


Chúa Giêsu cũng bảo đảm lời cầu xin của môn đồ cho công việc nhà Chúa, sẽ được Cha đáp lời. Khi Ngài rời xa họ, họ rất cần học biết việc xin và nhận, cũng như đức tin trong sự cầu xin. Đi trên con đường thử thách với một trách nhiệm lớn, lời cầu xin với Cha là cần thiết.

 

" Yêu ghét của thế gian" câu 17-27

 

"Ta truyền cho các ngươi những điều răn đó, đặng các ngươi yêu mến lẫn nhau vậy. 18 Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. 19 Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi. 20 Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: Đầy tớ chẳng lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ ta, ắt cũng bắt bớ các ngươi; bằng họ đã giữ lời ta, ắt cũng giữ lời các ngươi. 21 Nhưng vì danh ta họ sẽ lấy mọi điều đó đãi các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai ta đến. 22 Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không có thể chữa chối được tội lỗi mình. 23 Kẻ nào ghét ta cũng ghét Cha ta nữa. 24 Ví thử ta không làm giữa họ những việc mà chưa có người khác làm, thì họ vô tội, nhưng bây giờ họ đã thấy các việc ấy, và lại ghét ta cùng Cha ta. 25 Dường ấy, để cho ứng nghiệm lời đã chép trong luật pháp họ rằng: Họ ghét ta vô cớ. 26 Khi nào Đấng Yên ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta. 27 Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta, vì các ngươi đã ở cùng ta từ lúc ban đầu vậy."

 

Đoạn Kinh thánh nầy được Chúa Giê su nhắc lại, sau Ma thi ơ đoạn 10:

 

             "Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói."

 

    Chúa Giê su đang chuẩn bị về mặt tâm lý cho môn đồ, những con chiên đơn sơ, chân chất của Ngài ở giữa một thế giới gian ác.


Trong thế giới đó, muốn tồn tại, các Cơ đốc nhân phải yêu thương nhau, bao bọc nhau. Phải hiểu rằng thế gian không xử theo lẽ công bình, nó vẫn còn thuộc Sa tan là chủ, nên nó luôn đối đầu với Chúa và người theo Chúa. Các môn đồ phải chuẩn bị tâm lý để hiểu thế gian qua những điểm điển hình như sau:

 

- Thế gian ghét các môn đồ vì thế gian ghét Chúa nên cũng ghét họ vì họ theo Chúa. Dù Chúa Giê-su làm biết bao nhiêu phép lạ, cứu giúp nhiều người, sứ điệp của Ngài thật tuyệt vời, Chúa vẫn bị người ta từ chối.

 Khi Chúa Giê-su là tâm điểm của sự ghét bỏ không còn nữa, các môn đồ cũng vẫn bị ghét và từ chối.


- Thế gian sẽ bắt bớ môn đồ vì thế gian cũng đã từng bắt bớ Chúa. Không chỉ các môn đồ, nhưng những Cơ-đốc nhân đầu tiên đều biết sự căm ghét của thế gian, và họ đều bị bắt bớ và bách hại.

 Thái độ căm ghét của thế gian là một thái độ cố định dù Cơ đốc nhân chỉ biểu hiện tình yêu thương và không có dấu hiệu nào làm tổn thương xã hội.

 

**" Họ ghét Ta vô cớ" câu 25

 

"Dường ấy, để cho ứng nghiệm lời đã chép trong luật pháp họ rằng: Họ ghét ta vô cớ.'

Chúa Giê su trích dẫn câu nầy trong Thi thiên 69:4

 

"Những kẻ ghen ghét tôi vô cớ Nhiều hơn số tóc đầu tôi; Những kẻ làm thù nghịch tôi vô cớ và muốn hại tôi thật mạnh; Tôi phải bồi thường điều tôi không cướp giựt."


Hay trong Thi thiên 35; 19

 

"Cầu xin chớ cho những kẻ làm thù nghịch tôi vô cớ mừng rỡ về tôi; Cũng đừng để các kẻ ghét tôi vô cớ nheo con mắt."

 

cho thấy tiền lệ trong Kinh thánh, và sự ứng nghiệm của lời tiên tri rằng không có lý do chính đáng nào để thế gian ghét Chúa Giê-su, và Cha Ngài như họ đã làm .

  Sự căm ghét vô lý của thế gian đối với chính Chúa Giê-su và Cha Ngài là không thể giải thích được, ngoại trừ lời tiên tri chứng nhận sự thật trong  Thi Thiên. "Họ ghét tôi vô cớ"

 

Điều trớ trêu trong câu trích dẫn nâyd ám chỉ những người được coi là người bảo vệ Luật pháp của Đức Chúa Trời lại đang ứng nghiệm với lời tiên tri liên quan đến kẻ thù của tôi tớ Đức Chúa Trời.

 

Sau nầy Phi-e-rơ đã truyền đạt tâm tình này trong thư 1 Phi-e-rơ 4:12-16

 

"Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. 13 Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. 14 Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em. 15 Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm cướp, như kẻ hung ác, như kẻ thày lay việc người khác. 16 Nhưng nếu có ai vì làm tín đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi khen Đức Chúa Trời là hơn."

 

  Chúa Giê su đã từng nếm trải hết những gì xấu xa mà thế gian đã dành cho Ngài, Chúa báo trước môn đồ cũng sẽ gặp gian truân y như vậy vì những âm mưu và những điều thế gian vu khống. Qua nhiều thế kỷ, Cơ đốc nhân đã biết đến sự căm ghét của thế gian và hàng triệu người đã chết vì Chúa Giêsu.

  Qua cách nói với môn đồ, Chúa Giê su cũng đang lên án người thế gian, Ngài nói, nếu họ không biết, thì không bị đoán phạt, nhưng khi lời Chúa đã ban ra, họ vẫn không tin thì không thể bào chữa đưọc trong câu 22 & 23

 

" Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không có thể chữa chối được tội lỗi mình. 23 Kẻ nào ghét ta cũng ghét Cha ta nữa. 24 Ví thử ta không làm giữa họ những việc mà chưa có người khác làm, thì họ vô tội, nhưng bây giờ họ đã thấy các việc ấy, và lại ghét ta cùng Cha ta. "

 

Cũng một thể ấy, nếu Tin lành được nói ra, mà con người không tin, thì người ấy sẽ chết trong tội mình. Chính lời Chúa có thẩm quyền buộc tội họ.

 

** Đức Thánh Linh và môn đồ đồng công với nhau trong công tác làm chứng cho Chúa" câu 26 & 27

 

" Khi nào Đấng Yên ủi sẽ đến, là Đấng ta sẽ bởi Cha sai xuống, tức là Thần lẽ thật ra từ Cha, ấy chính Ngài sẽ làm chứng về ta. 27 Còn các ngươi cũng sẽ làm chứng về ta, vì các ngươi đã ở cùng ta từ lúc ban đầu vậy."

 

   Đấng Yên ủi , Đức Thánh Linh hay Đấng xức dầu, sẽ đồng công với các thánh đồ trong công tác làm chứng và rao giảng Tin lành. Dựa vào hai câu nói nầy của Chúa Giê su, việc làm chứng không phải do Tín đồ làm một mình, cũng không phải để Đức Thánh Linh làm một mình, nhưng có sự phối hợp của cả hai bên. Nếu Tín đồ ra làm chứng mà không dựa vào Đức Thánh Linh thì thiếu quyền phép, nhưng nếu nói để Đức Thánh Linh tự làm thì Chúa Giê su đã không cần chọn lựa các môn đồ và dạy họ làm chứng về Ngài- Nhiệm vụ của các Tín hữu là đi ra rao giãng như trong Ma thi ơ 28 chép:

"Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."

Sứ mạng của các môn đồ đang còn trước mặt, thử thách lớn sẽ bắt đầu. Chúa Giê su chuẩn bị mọi thứ cho môn đồ mình để họ không tan hàng, hụt hẩng. Cuối cùng Ngài an ủi họ:

 

"Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!"