Giăng 12 "Ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc"

**Dân Tộc Việt **Các Phương Tiện *Báp Têm* zoom

"Nhưng tôi hỏi: Có phải là họ chưa nghe chăng? Trái lại, Tiếng của các sứ giả đã vang khắp đất, Và lời của sứ giả đã đạt đến cùng thế gian." Rô ma 10: 18

Giăng 12 "Ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc"

 

Đọc Giăng 12: 27-50

 

Câu hỏi:

 

1/ Khi Chúa Giê su trong thân xác con người, Ngài có sợ hãi và buồn khổ khi biết mình sẽ chết cách nào không?
Điều đó có làm cho Chúa bị mất sự vinh hiển không?


2/ Chúa Giê su gặp thử thách lớn, Ngài đã làm gì? Sự cầu nguyện của Ngài có được Cha đáp ứng không?

 

3/ Đức Chúa Trời đáp ứng Chúa Giê su như thế nào? Có thuận theo sự yếu đuối của Chúa Giê su không?

Cả người xin và Đấng ban cho hướng tới điều gì?


4/ Vì sao dân Giu đa không tin Đấng Mê si phải chết? Tại sao nhà hội của họ không chịu đọc Ê sai 53?

 

5/ Vì sao Chúa Giê su không trả lời câu hỏi của dân chúng mà lại lìa họ qua chỗ khác?

 

6/ Lời rao giảng Tin lành rao ra có tác dụng như thế nào?

 

 

             " Ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc"

 

**" Hiện nay tâm thần Ta bối rối" câu 27-32

 

"Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy! Cha ơi, xin làm sáng danh Cha! Bấy giờ có tiếng từ trên trời phán xuống rằng: Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa! Đoàn dân ở tại đó nghe tiếng thì nói rằng ấy là tiếng sấm; có kẻ khác nói: Một vị thiên sứ nào nói với Ngài. Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Ấy chẳng phải vì ta mà tiếng nầy vang ra, nhưng vì các ngươi. Hiện bây giờ, có sự phán xét thế gian nầy, và hiện nay vua chúa của thế gian nầy phải bị xua đuổi. Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta. "

 

   Khi Chúa Giê su nói: "Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta. "

   chứng tỏ Ngài biết mình sẽ chết cách nào. Với nhân tính như một con người trong xác thịt yếu đuối, sự biết trước nầy là một thử thách vô cùng lớn.

  Kinh Thánh không tô vẽ trên sự chịu đựng của Chúa Giê su. Cả bốn sách Tin lành đều mô tả Chúa Giê su cũng sợ hãi, buồn bực, nản lòng, rên siết y hệt chúng ta. Trong giờ phút bi thương của mình, Chúa lại không được ai chia sẻ, Ngài chiến đấu một mình trong sự cầu nguyện. Chúa Giê su nài xin Cha cứu Con ra khỏi giờ nầy, trong sách Mathi ơ, thì Ngài xin Cha cho chén đắng lìa khỏi Con.

      Vì sao Chúa Giê su cực kỳ bối rối và buồn bã? Có đến sáu thành phần trong chén đắng của Chúa Giê su:


1- Chịu đựng nhiều khổ hình cùng cực trên thể xác: Bị đánh đập đến tan nát thân thể rồi bị đóng đinh treo lên, kéo dài sự đau đớn cho tới khi chết.


2- Bị làm nhục trước mắt mọi người, bị lột trần truồng, bị phỉ báng, chê cười, trách móc..


3- Mang một nỗi buồn trong trái tim nhân hậu của ngài, khi Ngài hy sinh tất cả cho nhân thế mà không ai để ý, và không ai mang ơn.


4-Gánh hết những tội lỗi ghê gớm của loài người trên chính mình, là Đấng được tôn vinh vô cùng Thánh khiết.


5- Bị đặt dưới những mưu định thâm hiểm của Sa tan, được kích hoạt trong những con người gian ác như Giu đa, các Thầy Tế lễ, Bôn xơ phi lát và quân lính và dân chúng.


6- Điều sau cùng, đã làm cho Chúa Giê su buồn nhất, khi Đức Chúa Trời lìa bỏ Ngài trong tư thế của một tội nhân, Chúa Giê su không hề mở miệng trước 5 điều kia, nhưng sau Ngài la lớn trong đau thương: " Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?"

 

   Chén đắng của Chúa Giê su ghê gớm như vậy, nhưng Ngài bằng lòng uống để tránh cho loài người phải uống chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời.
Chúa Giê su trong vườn Gết sê ma nê đã một mình, nhờ sự cầu nguyện mà Ngài chiến thắng, đi trọn con đường Cha hoạch định.


  Theo các sách Tin lành khác, thì đang khi cầu nguyện, Chúa Giê su được Thiên sứ thêm sức. Còn ở đây, Giăng cho biết, chính Đức Chúa Trời đã trò chuyện với Ngài, Đức Chúa Trời lên tiếng, Chúa Giê su nghe, nhưng người khác không nghe, họ tưởng là tiếng sấm, cũng giống như lúc Phao lô bị Chúa bắt phục trong Công vụ 22: 6-9

" Vả, lúc tôi đang đi đường, gần đến thành Đa-mách, độ ban trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trên trờ giáng xuống, soi sáng chung quanh mình tôi. Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, làm sao ngươi bắt bớ ta? Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ đây. Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi."

 

  Chúa Giê su không lùi bước để Đức Chúa Trời được sáng danh, Đức Chúa Trời phán với Chúa Giê su:

 

"Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!"


      Chúa Giê su đang đau thương, vì sao đây lại là một lời khích lệ?

 Trên thế gian, loài người thường được sáng danh vì những điều mình làm được cho mình, nhưng với Thiên Chúa, Ngài được sáng danh vì sự nhân từ lớn của Ngài.

  Khi Chúa Giê su Giáng sinh, Các Thiên sứ đã cùng nhau chúc tụng:

 

 

       " Sáng danh Chúa trên các từng Trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người."

 

   Ân trạch đó không dừng lại ở chỗ Chúa Giê su sinh ra, mà là chịu chết thế tội. Sự hy sinh lớn lao như thế, càng làm cho Ba ngôi Đức Chúa Trời được sáng danh, và sau đó, Chúa Giê su được Đức Thánh Linh làm sống lại, thì Chúa lại càng thêm sáng danh hơn nữa.

 

  Vì tình yêu lớn, vì sự vinh hiển của một Đức Chúa Trời nhân từ, đã khích lệ Chúa Giê su bước lên thập giá mà không lùi bước, để từ đó về sau, hể ai tin nơi sự cứu cuộc của Ngài đều được cứu.

Từ lâu lắm, trước khi Chúa Giê su sinh ra. Đa vít được Đức Thánh Linh hà hơi và ông đã viết trong Thi thiên 115 : 17&18 rằng:



"Kẻ chết hoặc kẻ xuống cõi nín lặng chẳng ngợi khen Đức Giê-hô-va. Nhưng chúng tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, Từ bây giờ cho đến đời đời. Ha-lê-lu-gia!"

 

Đa vít muốn nói, "chúng tôi" là những kẻ được cứu, cũng là Hội Thánh, sẽ không chết, mà ngợi khen Chúa đời đời.



***Đấng Christ còn đời đòi, sao Ngài nói bị treo lên? câu 33-43

 

" Ngài phán vậy để chỉ mình phải chết cách nào. Đoàn dân thưa rằng: Chúng tôi có học trong luật pháp rằng Đấng Christ còn đời đời, vậy sao thầy nói Con người phải bị treo lên? Con người đó là ai? Đức Chúa Jêsus bèn đáp rằng: Sự sáng còn ở giữa các ngươi ít lâu; hãy đi trong khi các ngươi còn có sự sáng, e rằng sự tối tăm đến thình lình cùng các ngươi chăng; kẻ đi trong nơi tối tăm thì chẳng biết mình đi đâu. Các ngươi đang có sự sáng, hãy tin sự sáng, hầu cho trở nên con cái của sự sáng.

  Đức Chúa Jêsus phán như vậy, rồi đi, và ẩn mình cách xa họ. Vả, dẫu Ngài đã làm bấy nhiêu phép lạ trước mặt chúng, họ cũng không tin Ngài, để được ứng nghiệm lời nầy của đấng tiên tri Ê-sai: Lạy Chúa, ai đã tin lời giảng chúng tôi, Và cánh tay Chúa đã tỏ ra cho ai? Vả lại, chúng không thể tin, vì Ê-sai lại có nói rằng: Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, Hầu cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, Không tự hối cải, Và ta chẳng chữa lành cho. Ê-sai nói điều đó, khi thấy sự vinh hiển của Ngài và nói về Ngài. Nhưng, trong hàng quan trưởng cũng có nhiều người tin Đức Chúa Jêsus; song vì cớ người Pha-ri-si, nên không xưng Ngài ra, sợ bị đuổi khỏi nhà hội chăng. Vì họ chuộng danh vọng bởi người ta đến hơn là danh vọng bởi Đức Chúa Trời đến."

**Đấng Mê si không bao giờ chết"

  đó là cách nhìn của dân Giu đa về Đấng Mê si. Khi họ trông đợi một Đấng Cứu giúp, chứ không phải là Đấng Cứu thế, thì họ không chấp nhận được thông điệp nói Đấng Mê si của họ sống khổ và chết trong tay họ.

  Thi thiên 22 diễn tả y hệt cảnh Chúa Giê su trên thập giá. Ê sai 53, nói rõ như một câu chuyện có minh hoạ hình ảnh. Những thầy Rabi Do Thái cho biết, thời đó, tất cả các nhà Hội Giu đa đều không đọc Ê sai 53, dân Giu đa không công nhận trang sách đó nói về Đấng Mê si, vì nếu công nhận nó, họ sẽ phải công nhận luôn mình giết Đấng ấy.

   Người Giu đa nói Đấng Christ còn đời đời, điều đó không sai, nhưng khi họ hỏi Chúa Giê su, sao Ngài bảo Đấng Christ sẽ bị treo lên, là họ không tin nơi lời Ngài.

  Không tin Đấng Christ chết thay cho tội lỗi mình thì dứt khoát không nhận được sự cứu rỗi. Vì thế Chúa Giê su không muốn trả lời câu hỏi của họ, Ngài chỉ nói, khi sự sáng còn ở đây, thì hãy đi trong sự sáng. Dân Giu đa có sự lầm lạc rất lớn, khiến họ mãi mãi đi trong sự tối tăm vì lòng họ cứng cỏi. Bức tranh về Chúa Giê su ngày nay đã được dân ngoại khắp đất trông thấy, nhưng dân Do Thái vẫn đợi, họ kiêu hãnh, không muốn nghĩ mình là một tội nhân, nhưng luôn là một dân tuyển chọn, Đấng Mê si của họ không chết.

 

Sáng Thế ký 6: 3 Đức Chúa Trời đã than thở:

 

"Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn; trong điều lầm lạc, loài người chỉ là xác thịt;"

 

   Người nào không có Thần của Đức Chúa Trời ở trong họ, họ không hiểu được lời mầu nhiệm.


Chúa Giê su không muốn thuyết phục họ nữa, vì họ cứng lòng và không tin, Chúa lánh đi chỗ khác, Giăng nói cũng có những người trong hàng quan trưởng tin, nhưng không dám tuyên xưng đức tin của mình, vì sợ bi đuổi khỏi nhà Hội.


  **Đức tin mà không dám tuyên xưng cũng không được kể là tin Rô ma 10: 9 &10 chép:

"Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi."

 


" Cứu chuộc và Cáo buộc" Câu 44-50

 

" Tuy vậy, Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán rằng: Ai tin ta, chẳng phải tin ta, nhưng tin Đấng đã sai ta đến. Còn ai thấy ta, là thấy Đấng đã sai ta đến. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối tăm nữa. Lại nếu kẻ nào nghe lời ta mà không vâng giữ ấy chẳng phải ta xét đoán kẻ đó; vì ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc. Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi; lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng. Bởi ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời. Vậy, những điều ta nói, thì nói theo như Cha ta đã dặn."

 

  Chúa Giê su bản tánh rất mềm mại và nhu mì, nhưng khi Ngài nhân danh Đức Chúa Trời để tuyên phán thì rất nghiêm. Trong đoạn cuối nầy, sứ điệp của Chúa Giê su có hai vế, một là nếu và hai là thì, chữ nếu là sự đáp ứng của con người đối với lời của Đức Chúa Trời, còn chữ thì là kết quả của nó.

  Nếu họ nghe và tin, thì được cứu, còn nếu không nghe thì sẽ bị chính lời đó xét đoán.

  Khi lời kêu gọi buông ra, lời đó sẽ như con dao hai lưỡi, có hai tác dụng, Sách Rô ma cũng nói rõ:

 

  "Hễ ai tin thì được cứu, nhưng nếu không tin, thì cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn còn trên người đó."

 

  Tin lành đã được rao cho dân Giu đa trước nhất mà họ không tin, sau mới ra tới dân ngoại. Sự cứng lòng của dân Giu đa cũng đã được nói tiên tri từ trước. Sách Rô ma 9: 24-33

 

"Đó tôi nói về chúng ta, là kẻ Ngài đã gọi, chẳng những từ trong người Giu-đa, mà cũng từ trong dân ngoại nữa. Như Ngài phán trong sách Ô-sê rằng: Ta sẽ gọi kẻ chẳng phải dân ta là dân ta, Kẻ chẳng được yêu dấu là yêu dấu; Lại xảy ra trong nơi Ngài phán cùng họ rằng: Các ngươi chẳng phải là dân ta đâu, Cũng tại nơi đó họ sẽ được xưng là con của Đức Chúa Trời hằng sống. Còn Ê-sai nói về dân Y-sơ-ra-ên mà kêu lên rằng: Dầu số con cái Y-sơ-ra-ên như cát dưới biển, chỉ một phần sót lại sẽ được cứu mà thôi; vì Chúa sẽ làm ứng nghiệm lời Ngài cách trọn vẹn và vội vàng trên đất. Lại như Ê-sai đã nói tiên tri rằng: Nếu Chúa vạn quân chẳng để lại một cái mầm của dòng giống chúng ta, Thì chúng ta đã trở nên như thành Sô-đôm và giống như thành Gô-mô-rơ vậy. Vậy chúng ta sẽ nói làm sao? Những dân ngoại chẳng tìm sự công bình, thì đã được sự công bình, nhưng là sự công bình đến bởi đức tin; còn như dân Y-sơ-ra-ên tìm luật pháp của sự công bình, thì không đạt đến luật pháp ấy. Tại sao? Tại họ chẳng bởi đức tin mà tìm, nhưng bởi việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở, như có chép rằng: Nầy ta để tại Si-ôn một hòn đá ngăn trở, tức là hòn đá lớn làm cho vấp ngã; Hễ ai tin đến thì khỏi bị hổ thẹn."

 

 





Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Rô ma 10: 13